8 cách xây dựng mối quan hệ với giảng viên

Theo các giáo sư, đại học không chỉ là môi trường để sinh viên theo đuổi con đường học thuật mà còn là nơi để tạo dựng mối quan hệ lâu dài với đồng môn và giáo sư.

 Đại học không chỉ là môi trường học tập mà còn là nơi xây dựng mối quan hệ cho tương lai. ẢNh: Unsplash.

Đại học không chỉ là môi trường học tập mà còn là nơi xây dựng mối quan hệ cho tương lai. ẢNh: Unsplash.

"Đầu tư vào mỗi quan hệ chính là đầu tư vào sự phát triển cá nhân cũng như sự nghiệp của bạn", bà Audrey Murrell, giáo sư Quản trị kinh doanh, Tâm lý học cộng đồng quốc tế tại ĐH Pittsburgh (Mỹ), cho biết.

Những mối quan hệ này có thể bắt đầu từ một khoảnh khắc nhỏ trong lớp học nhưng lại mang lại lợi ích lâu dài sau khi tốt nghiệp. Đối với sinh viên, mặc dù việc học là tối quan trọng, họ cũng có thể thực hiện 8 điều dưới để củng cố mối quan hệ với giảng viên của mình.

Giao tiếp tốt

Chìa khóa để xây dựng một mối quan hệ lâu dài là giao tiếp tốt. Sinh viên nên cố gắng làm quen với giảng viên và để họ biết về mình.

Theo bà Sarah Niebler, phó giáo sư Khoa học chính trị tại ĐH Dickinson (Mỹ), sinh viên không nhất thiết phải chia sẻ toàn bộ vấn đề trong cuộc sống của mình nhưng họ cũng nên cho giảng viên biết một vài vấn đề cụ thể, đặc biệt những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay gia đình khiến họ phải tạm nghỉ học.

"Cuộc sống luôn khó khăn. Còn tôi rất ghét chứng kiến sự biến mất của sinh viên mà không biết họ đang đối mặt với những khó khăn nào bên ngoài lớp học", bà nói.

Đồng quan điểm, bà Murrell cũng cho rằng sinh viên nên thoải mái yêu cầu sự giúp đỡ khi cần.

"Trong đại dịch, tôi học được là chúng ta nên vui khi được người khác hỏi nhờ sự giúp đỡ. Đối với tôi, đó là dấu hiệu cho thấy sinh viên tin tưởng mình và trường, sinh viên tin chúng tôi sẽ lắng nghe và hỗ trợ họ", bà nói.

Gặp mặt trong giờ hành chính

Một trong những cách tốt nhất để sinh viên làm quen với giảng viên là gặp mặt giảng viên trong giờ hành chính. Nếu khoảng thời gian đó không phù hợp với sinh viên, họ nên liên hệ với giảng viên qua email hoặc trao đổi trong lớp để sắp xếp thời gian gặp mặt thay thế. Sinh viên có thể sử dụng những khoảng thời gian này để đặt câu hỏi về bài tập hoặc nội dung, hoặc chỉ để nói chuyện với giáo sư của họ.

Sinh viên có thể xây dựng mối quan hệ với giảng viên thông qua các cuộc gặp trong giờ hành chính. Ảnh: Unsplash.

Cô Cathy Wineinger, trợ lý giáo sư Khoa học chính trị tại ĐH Western Washington (Mỹ), cho hay cách này có thể giúp giảng viên thấu hiểu hoàn cảnh của sinh viên mình và đưa ra sự giúp đỡ cần thiết.

Duy trì ngôn ngữ cơ thể tích cực

Ngôn ngữ cơ thể của sinh viên thể hiện mức độ tham gia của họ trong lớp. Các giảng viên thường hay chú ý đến những sinh viên đang ngáp, trông có vẻ chán chường và không duy trì giao tiếp bằng mắt. Do đó, sinh viên nên tập trung trong lớp học và tránh bị phân tâm bởi bài tập từ lớp khác hoặc thiết bị điện tử.

Elliott Fullmer, phó giáo sư Khoa học chính trị tại ĐH Randolph-Macon (Mỹ) cho hay giảng viên không chỉ ấn tượng các sinh viên chú ý tiếp thu bài giảng, họ còn đánh giá cao những sinh viên có hành động xây dựng không khí lớp học.

Đặt câu hỏi trong bài giảng

Theo ông Fullmer, các giảng viên đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài giảng. Vì vậy, thay vì phải độc thoại trong lớp học của mình, họ muốn sinh viên tương tác với họ về bài giảng.

Theo bà Merrell, sinh viên có thể e ngại về việc đặt câu hỏi vì sợ bị hiểu lầm rằng không hiểu bài giảng. Tuy nhiên, ngược lại, câu hỏi giúp sinh viên và giảng viên tương tác với nhau, từ đó mở ra những cuộc trò chuyện tiếp theo bên ngoài lớp học.

"Đặt câu hỏi là một cách để sinh viên phát triển vốn kiến thức của mình cũng như phản hồi về phương pháp dạy của giảng viên. Nếu không ai trong lớp đặt câu hỏi, tôi sẽ ngầm hiểu họ đã hiểu hết bài, nhưng có thể điều này không đúng", bà nói.

Kết nối tài liệu lớp học với các trải nghiệm khác

Theo bà Niebler, các giảng viên rất vui khi sinh viên có thể kết nối tài liệu với các lớp học khác hoặc với các trải nghiệm cuộc sống. Điều này chứng tỏ sinh viên có mức độ hiểu biết sâu sắc hơn.

Ngoài ra, bà Murrell cũng cho hay giảng viên thích nghe sinh viên kể về cuộc đời mình hơn họ tưởng.

"Tôi muốn biết rằng những gì chúng ta (giảng viên - PV) đang nói đến trong lớp học có liên quan và bạn (sinh viên - PV) có thể áp dụng chúng ra bên ngoài cuộc sống", bà nói.

Để ý và tuân thủ nội quy lớp học

Vào đầu mỗi học kỳ, hầu hết giảng viên đều cho sinh viên biết về nội quy lớp học, lịch học và nhiều thứ liên quan khác. Sinh viên nên nắm kỹ những điều này trước khi liên hệ với giáo sư.

"Thay vì viết tin nhắn cho giảng viên khi cần nghỉ học, sinh viên nên xem lại quy trình trong nội quy đầu năm để biết thủ tục xin nghỉ cũng như nội dung phần học bị bỏ lỡ", ông Fullmer cho hay.

Chủ động

Một phần của việc trở thành một sinh viên giỏi là tuân theo những hướng dẫn cơ bản, hoàn thành bài tập đúng hạn và thể hiện sự tôn trọng với giảng viên và bạn học.

"Sinh viên cần chủ động và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động cá nhân thay vì khiến người khác phải chạy theo mình. Đây cũng là điều khiến bạn trưởng thành", bà Melanie Wilderman, phó giáo sư Báo chí tại ĐH Oklahoma (Mỹ), bổ sung bà rất khó chịu khi phải gia hạn nộp bài cho những sinh viên nộp trễ vì không hiểu bài giảng.

Sẵn sàng thử những điều mới

Trong khi giảng viên cố gắng lồng ghép những hình thức giảng dạy mới vào bài giảng của mình, sinh viên cũng nên cởi mở về các phương thức giảng dạy mới hoặc các hoạt động mới trong lớp học.

"Có thể ban đầu sinh viên cho rằng những hoạt động giảng dạy là nhàm chán hay ngớ ngẩn, nhưng nếu họ sẵn sàng tiếp cận với những phương pháp này, biết đâu chúng lại có ích trong việc tiếp thu kiến thức trong lớp học", cô Wineinger đánh giá.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-cach-xay-dung-moi-quan-he-voi-giang-vien-post1380091.html