8 bộ truyện tranh thể thao được thế hệ 8X, 9X yêu thích

Từ lâu, truyện tranh Nhật Bản đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam. Trong đó, những bộ manga về thể thao luôn để lại sức hút lớn.

3

 Captain Tsubasa (tác giả Takahashi Yōichi) là bộ truyện tranh quen thuộc với thế hệ 8X, viết về Ozora Tsubasa. Khi còn nhỏ, cậu bé bị xe tải đụng nhưng may mắn không chết vì một trái bóng. Từ đó, cuộc đời Tsubasa gắn liền với bóng đá và khai phá được tài năng thiên bẩm trong môn thể thao này. Bộ truyện là cuộc hành trình của Tsubasa cùng với trái bóng, trải qua hết thử thách này đến thử thách khác, cậu bé dần chinh phục được hàng loạt các giải đấu lớn và trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Ảnh: Xacu.

Captain Tsubasa (tác giả Takahashi Yōichi) là bộ truyện tranh quen thuộc với thế hệ 8X, viết về Ozora Tsubasa. Khi còn nhỏ, cậu bé bị xe tải đụng nhưng may mắn không chết vì một trái bóng. Từ đó, cuộc đời Tsubasa gắn liền với bóng đá và khai phá được tài năng thiên bẩm trong môn thể thao này. Bộ truyện là cuộc hành trình của Tsubasa cùng với trái bóng, trải qua hết thử thách này đến thử thách khác, cậu bé dần chinh phục được hàng loạt các giải đấu lớn và trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Ảnh: Xacu.

Giống như Captain Tsubasa, bộ Siêu quậy Teppei (tác giả Tetsuya Chiba) cũng từng hút hồn biết bao thanh thiếu niên 8X, đầu 9X. Teppei từ nhỏ sống trong rừng với bố nên tính cách có phần ngông cuồng, hoang dã. Thế nhưng sau này khi đã bén duyên với bộ môn kiếm đạo, Teppei dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Phía sau bộ truyện về Tepei, tác giả đã khéo léo lồng ghép những triết lý sâu sắc, đề cao tầm quan trọng của gia đình, giáo dục và đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân. Ảnh: Phamvuhuy.

Sau năm 2000, những sáng tác của Adachi Mitsuru đã trở nên quen thuộc đối với độc giả. Với lối vẽ đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, Adachi có thể lột tả xuất sắc nội tâm nhân vật chỉ qua một vài khung hình. Touch (Tầm với) là tác phẩm điển hình cho phong cách sáng tác của ông với sự gắn kết chặt chẽ giữa đam mê thể thao và tình yêu tuổi trẻ. Touch là câu chuyện đầy cảm xúc của ba đứa trẻ cùng có đam mê bóng chày tột độ, nhưng đến cuối cùng, chỉ hai người có thể hưởng vinh quang trọn vẹn. Ảnh: NXB Trẻ.

Hoàng tử tennis (tác giả Takeshi Konomi) cũng là một trong những bộ truyện tranh thể thao nổi tiếng của Nhật Bản. Thành công của Hoàng tử tennis là không thể phủ nhận, nó được chuyển thể thành anime, phim và đều nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người hâm mộ. Echizen Ryoma (nhân vật chính) nhanh chóng chứng minh tài năng của mình bằng những chiến thắng thuyết phục trước đàn anh trong trường và sau đó là hành trình chinh phục giải vô địch tennis các trường trung học. Ảnh: EpicDope.

Kuroko no Basket (Tuyển thủ vô hình - tác giả: Tadatoshi Fujimaki) là bộ truyện tranh về bóng rổ. Dù mới được ra mắt vào cuối tháng 12/2008 nhưng nó nhanh chóng chiếm được tình cảm của độc giả với tình tiết kịch tính, nhân vật thú vị và kết cấu chuyện chặt chẽ. Sẽ là quá khó cho Kuroko no Basket nếu như bị so sánh với tượng đài bất diệt Slam Dunk nhưng nó vẫn có thành công lớn. Kuroko no Basket đứng thứ năm trong danh sách Những bộ truyện tranh thể thao hay nhất mọi thời đại (theo đánh giá của trang Ranker.com). Ảnh: Fanpop.

Xếp ngay trên Kuroko no Basket là Eyeshield 21 (tác giả Yusuke Murata). Đây là bộ truyện tranh viết về bóng bầu dục, đề tài tương đối mới lạ và có vẻ sẽ kén người đọc. Nhưng vị trí thứ tư trong danh sách Những bộ truyện tranh thể thao hay nhất mọi thời đại (theo Ranker) đã nói lên thành công của nó. Eyeshield 21 là câu chuyện nói về Kobayakawa Sena, cậu học sinh từng bị bắt nạt suốt thời cấp 2 và sau này trở thành trụ cột của đội bóng bầu dục trường cấp 3. Trong Eyeshield 21, người ta không chỉ thấy sự kịch tính của những trận cầu nảy lửa mà còn có cả ý chí kiên định, không bỏ cuộc của các thành viên. Ảnh: Livejournal.

Itto - Sóng gió cầu trường là bộ truyện tranh bóng đá với nhân vật chính là Katori Itto (có bản là Buttobi Itto) hay còn được thế hệ 8X, 9X biết đến nhiều hơn với cái tên Jindo. Bộ truyện tranh của Monma Motoki được xuất bản lần đầu vào năm 1985 và tạo ra được thành công lớn ở nhiều nước châu Á bởi sự sự hài hước cũng như cá tính độc đáo của các nhân vật. Tuy nhiên, đến năm 2007, khi phần 2 của Itto vẫn đang còn dang dở thì NXB Shueisha bất ngờ thông báo sẽ ngừng bộ truyện. Chính cách kết thúc này đã khiến Itto mãi trở thành niềm nuối tiếc của người hâm mộ. Ảnh: Kim Đồng.

"Đã chơi bóng rổ thì phải đọc Slam Dunk" - đây là tâm niệm của rất nhiều 8X, 9X thời xưa. Slam Dunk (tác giả Inoue Takehiko) được đánh giá là tượng đài của manga và cũng là bộ truyện tranh bóng rổ hay nhất mọi thời đại. Tính từ khi ra mắt năm 1990, đây cũng là bộ truyện hiếm hoi có thể bán được hơn 157 triệu bản trên toàn thế giới, đem lại doanh thu hàng trăm triệu USD. Nhưng không dừng lại ở giá trị về kinh tế, Slam Dunk có ảnh hưởng lớn đến sự thúc đẩy nền bóng rổ thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Pinterest.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-bo-truyen-tranh-the-thao-duoc-the-he-8x-9x-yeu-thich-post1091168.html