8 biện pháp ngành Hải quan chủ động đấu tranh với gian lận xuất xứ

Cơ quan Hải quan chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

CBCC Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

CBCC Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), để chủ động chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, cơ quan Hải quan đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, thực trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và đề xuất các giải pháp cho từng bộ, ngành; đồng thời đã Ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 về kế hoạch thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Trong đó, cơ quan Hải quan tập trung vào 8 biện pháp trọng tâm:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019).

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP, Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan, trong đó bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp…

Thứ ba, tổ chức sắp xếp, đào tạo cán bộ công chức ở khâu thủ tục để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để xử lý theo đúng quy định.

Thứ tư, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý rủi ro như: Thực hiện thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm. Rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Thứ năm, thực hiện kế hoạch thanh tra, điều tra, xác minh, cụ thể, cơ quan Hải quan lập kế hoạch, thực hiện các chuyên đề, chuyên án để thực hiện kiểm tra, xác minh làm rõ theo ngành hàng, đối tượng cụ thể như thực hiện điều tra, xác minh làm rõ đối với mặt hàng gỗ dán, gỗ ván sàn; mặt hàng xe đạp, xe đạp điện nhập khẩu… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thông qua việc tổ chức các Hội thảo về xuất xứ hàng hóa để nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan. Đòng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, đưa tin về các biện pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; thông tin các vụ mà cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý.

Thứ bảy, phối hợp với các bộ, ngành để kiến nghị trao đổi, kết nối thông tin cấp C/O giữa Bộ Công Thương, VCCI với cơ quan Hải quan để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng. Phối hợp với các hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị các bộ/ngành hoàn thiện cơ sở pháp lý như kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm về xuất xứ hàng hóa và sớm ban hành Thông tư quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa, trong đó cần quy định cụ thể các tiêu chí đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp để tiêu thụ nội địa ít nhất phải bằng với tiêu chí xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu.

Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thông qua việc chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng. Hợp tác với cơ quan phòng chống gian lận Châu Âu (OLAF) để phối hợp điều tra, xác minh các hành vi gian lận liên quan đến xuất xứ đối với một số mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, thép phủ sơn, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, xe đạp, xe đạp điện, tế bào quang điện…

Bằng một loạt các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Đặc biệt nhờ có sự chủ động, quyết liệt của cơ quan Hải quan đã ngăn chặn, cảnh báo nguy cơ lợi dụng C/O Việt Nam để xuất hàng có C/O từ nước ngoài qua Việt Nam đi nước thứ 3. Điển hình là vụ cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng chặn đứng cả triệu tấn nhôm nhập về Việt Nam hòng giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ và các nước.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/8-bien-phap-nganh-hai-quan-chu-dong-dau-tranh-voi-gian-lan-xuat-xu-114752.html