8/11 mẫu cá tầm nhập lậu từ TQ: Chủ hồ nói thật

Theo chị Loan, cá tầm Trung Quốc và cá trong nước cơ bản giống nhưng vẫn có những dấu hiệu nhận biết.

Ngày 26/1, Bộ NN&PTNT cho biết, đã phối hợp với các địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM).

Kết quả có cho thấy, 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Để phân biệt cá tầm trong nước và cá tầm Trung Quốc, PV liên hệ với chị Nguyễn Thị Loan, chủ hồ cá tầm Sa Pa (Lào Cai) thì được biết, cá tầm trong nước có 2 loại là cá có vẩy và cá da trơn. Mặc dù hình dáng cá tầm Trung Quốc và cá trong nước cơ bản giống nhau nhưng vẫn có những dấu hiệu nhận biết sự khác biệt.

"Cá tầm Trung Quốc thường béo và thân ngắn, có màu đen nhám, mũi rất nhọn. Cá tầm Trung Quốc di chuyển quãng đường dài nên mình cá bị xây xước nhiều, bụng có nhiều vệt đỏ, có những vết lở loét và cá thường yếu chứ không bơi khỏe như cá Sa Pa", chị Loan cho biết.

Bộ NN&PTNT cho biết đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: TPO

Bộ NN&PTNT cho biết đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: TPO

Trong khi đó, theo chị Loan, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là giống cá tầm của Nga. Đặc điểm cá tầm Nga nuôi tại Việt Nam có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông cá.

"Cá tầm Việt Nam nuôi trong môi trường nước lạnh bơi rất khỏe. Cá được nuôi trong nước nên việc vận chuyển dễ dàng và không có xây xước, tróc vẩy", chị Loan cho biết thêm.

Cũng theo chị Loan, cá tầm ngoài nuôi ở Sa Pa còn được nuôi ở Lai Châu. Tuy nhiên, do khí hậu ở Lai Châu nóng hơn nên cá nuôi nhanh lớn hơn cá Sa Pa.

"Cá Sa Pa phải nuôi 2 năm mới được bán, còn cá Lai Châu chỉ khoảng 1 năm đã có trọng lượng lớn rồi. Theo tôi được biết, ở nhiều nơi nuôi cá tầm cũng đều nhập giống cá của Trung Quốc. Những dòng cá này về hình dáng không khác nhau là mấy nhưng chất lượng nuôi ở mỗi vùng lại rất khác nhau", chị Loan nói.

Được biết, cá tầm nuôi tại Việt Nam chỉ chủ yếu 4 loại là: Cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, sản lượng cá tầm năm 2020 cả nước khoảng 3.700 tấn, giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước.

Đặc biệt khi cá tầm nhập về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng khó phân biệt.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/811-mau-ca-tam-nhap-lau-tu-tq-chu-ho-noi-that-3426667/