78% phần mềm được sử dụng tại Việt Nam không có bản quyền

Việc cài, sử dụng các phần mềm lậu, phần mềm không bản quyền đang phổ biến tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin rất lớn.

Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp quốc tế (Business Software Alliance -BSA) tại Việt Nam ngày 18/4 cho biết: Hiện nay, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam ở mức 78%.
Về vấn đề sử dụng phần mềm không bản quyền, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết: Vấn đề lớn nhất khi sử dụng “phần mềm lậu”, phần mềm không có bản quyền là các nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin. Bởi lẽ, các phần mềm không bản quyền thường được cung cấp miễn phí, tự do sử dụng, luôn có sẵn những công nghệ, phần mềm mới nhất.

Việc sử dụng phần mềm không bản quyền tạo cho người dùng sự thuận tiện trước mắt nhưng lại gây nhiều tác hại về lâu dài, trong đó, rủi ro mất an toàn thông tin là rất lớn. “Nếu chúng ta không trả tiền mua bản quyền thì phải trả giá bằng việc mất an toàn thông tin” – ông Nguyễn Trọng Đường cảnh báo.
Thực tế hiện nay, khi công nghệ phát triển nhanh, tin tặc (hacker) luôn lợi dụng mọi khe hở của người dùng để tạo ra các cuộc tấn công mạng với nhiều mục đích khác nhau. Khi các thiết bị công nghệ nhiễm mã độc hay bị gắn thiết bị nghe lén, các thông tin quan trọng sẽ bị chiếm giữ, các nội dung nhạy cảm của người dùng bị đánh cắp và trở thành công cụ để tin tặc uy hiếp người dùng.

Thời gian qua, các cuộc tấn công tài chính thông qua các mã độc như Wannacry, GandCrabl, vi rút đào tiền ảo… ngày càng phổ biến trên mạng; các mã độc không loại trừ bất kỳ một cá nhân, tổ chức khi chúng có cơ hội tấn công.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam khuyến nghị các cơ quan, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các phần mềm; không nên để người dùng tải và cài các ứng dụng phần mềm trên mạng vào máy làm việc.

Người dùng nên sử dụng các phần mềm hợp pháp hoặc từ nguồn đáng tin cậy, tránh dùng các phần mềm từ các website lạ bởi đi kèm với đó là các nguy cơ mất thông tin, mất quyền điều khiển hợp pháp. Đặc biệt, người dùng không sử dụng các phần mềm bẻ khóa hoặc công cụ bẻ khóa phần mềm để tránh các nguy cơ có thể bị tấn công cho thiết bị của mình.
Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp quốc tế (BSA) là một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận, được thành lập để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của ngành công nghiệp phần mềm và của các đối tác phần cứng của hiệp hội. Tổ chức này hoạt động hướng tới sự phát triển của một thế giới kỹ thuật số an toàn và hợp pháp/.

Nguyễn Ngọc/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/78-phan-mem-duoc-su-dung-tai-viet-nam-khong-co-ban-quyen/82163.html