77 năm sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki

Vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, Không quân Mỹ đã liên tiếp ném hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima (ngày 6/8) và Nagasaki (ngày 9/8). 77 năm đã trôi qua, nhưng hậu quả thảm khốc của hai quả bom nguyên tử này vẫn còn hiệu hữu.

Với sức công phá tương đương 15.000 tấn TNT, quả bom uranium mang biệt danh “Little Boy” ném xuống Hiroshima đã san bằng và thiêu rụi khoảng 70% tòa nhà ở thành phố này và cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người. Ba ngày sau, Mỹ tiếp tục ném quả bom plutonium “Fat Man” xuống Nagasaki. Với nhiệt độ ở khu vực trung tâm lên tới 4.000 độ C, “Fat Man” đã san bằng và thiêu rụi diện tích rộng 6,7 km2, khiến khoảng 74.000 người chết.

Hai quả bom nguyên tử không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp. Chỉ mất khoảng 10 giây để quả cầu lửa từ một quả bom nguyên tử phát nổ đạt kích thước tối đa, nhưng những hậu quả kinh hoàng của một vụ nổ như vậy sẽ kéo dài nhiều thập niên và qua nhiều thế hệ.

Tại Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc thế giới đạt được tiến bộ trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Chúng ta cần hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết, Đó là lý do tại sao hội nghị kiểm điểm này rất quan trọng. Đó là cơ hội để đưa ra các biện pháp giúp tránh một số thảm họa nhất định và đưa nhân loại vào một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân."

Các thỏa thuận đã ra đời nhằm cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, ngăn chặn sự phổ biến của loại vũ khí này và cấm các nước thực hiện các vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá nhiều vũ khí hạt nhân và rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân ngày càng lớn.

Thủ tướng Nhật Bản FUMIO KISHIDA:“Mặc dù số lượng đã giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh, nhưng vẫn còn hơn 10.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới. Duy trì xu hướng giảm dần này là vô cùng quan trọng để tiến gần hơn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Để đạt được điều này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia một cách có trách nhiệm."

Bất kể ở đâu hay bằng cách nào một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, hậu quả của nó chắc chắn sẽ rất khủng khiếp. 77 năm đã trôi qua, nhưng nhân loại vẫn không quên những nỗi đau mang tên Hiroshima và Nagasaki. Mục tiêu “Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân” chỉ có thể trở thành hiện thực khi những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân phải thể hiện bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/77-nam-sau-vu-nem-bom-nguyen-tu-o-hiroshima-va-nagasaki