76% trái phiếu không có tài sản bảo đảm: Nhà đầu tư cẩn trọng kẻo rủi ro

Với lãi suất hấp dẫn, trái phiếu do doanh nghiệp phát hành (TPDN) đang thu hút được hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó không có tài sản bảo đảm, khiến cho nhà đầu tư đối mặt với rủi ro cao.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (BVMA), trong tháng 5-2021, có 46 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng; 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với với tổng giá trị 500 tỷ đồng; 1 đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán quốc tế giá trị 200 triệu USD.

Trong nhóm TPDN phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng. Tính cả tháng 4, nhóm các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng.

Một số ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu bao gồm VPBank phát hành 15 đợt với tổng trị giá 8.900 tỷ đồng, TPBank tiến hành 6 đợt trị giá 5.000 tỷ đồng, ACB 3 đợt trị giá 5.000 tỷ đồng, VIB 3 đợt với 4.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, VietinBank đã phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm; ACB cũng công bố phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm; Ngân hàng SHB cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm…

Nhóm trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có lãi suất cao.

Nhóm trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có lãi suất cao.

Đáng chú ý, trong 28,4 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành trong tháng 5, có 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Nhóm trái phiếu được đánh giá có rủi ro cao thuộc về lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng, với tổng giá trị phát hành trong tháng 5 đạt 4.950 tỷ đồng, trong đó 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu BĐS chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm.

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu quý II năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán sẽ khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Lãi suất trái phiếu BĐS vì thế có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác. Nhưng SSI cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường BĐS đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Cũng cảnh báo về những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường BĐS diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành.

Đối với doanh nghiệp BĐS, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường BĐS gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Còn với nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành, nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành TPDN và cũng chiếm chủ yếu lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo, các chuyên gia phân tích cho rằng những trái phiếu này an toàn hơn bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Tài chính, đối với nhà đầu tư TPDN, dù là trái phiếu có tài sản bảo đảm hay không, cũng cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.

Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Theo đó, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn…

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/76-trai-phieu-khong-co-tai-san-bao-dam-nha-dau-tu-can-trong-keo-rui-ro-645627/