75 năm, lời kêu gọi của Bác Hồ vẫn còn vang vọng mãi

75 năm trước đây, chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc Lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ.

Cách mạng tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo chí xuất bản ngày 6/1/1946 ấy đều dành vị trí trang trọng nhất giới thiệu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. 75 năm, nhớ lại không khí ngày đó cùng với không khí náo nhiệt chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021 này ta lại càng nhớ đến lời kêu gọi toàn thể quốc dân đi bầu cử của Bác ngày nào.

Còn nhớ, ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ngày sau, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí tán thành 6 vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, trong đó có vấn đề: "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ". Đây là ý nguyện mà Người đã trăn trở từ lâu là "Làm thế nào để quyền lực Nhà nước đích thực thuộc về Nhân dân". Ban đầu, trong Sắc lệnh số 51 qui định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23/12/1945, sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử, nhưng trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 16/11/1945, với mong muốn để cho công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn, Người đã đề nghị hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết bài "Ý nghĩa Tổng tuyển cử" đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ngày 31/12/1945. Bài báo nêu rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết...". Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu", đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5/1/1946. Rất giản dị, Người đi vào vấn đề cụ thể, gọn rõ: "Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình (...). Trong Lời kêu gọi của Người ta như thấy toát lên trong đó những nỗi niềm vui sướng vô biên. Bởi đã hàng nghìn năm qua, một sự kiện tương tự như thế chưa bao giờ xảy ra, chưa bao giờ người dân lại có trong tay cái quyền làm chủ. Và để có được cái quyền thiêng liêng này, dân tộc ta đã phải trải qua một quá trình lâu dài đấu tranh anh dũng với biết bao mất mát, hi sinh. Chính vì thế mà như lời Người nói, ngày 6/1/1946 ấy "chính là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình". Một thứ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lời Người 75 năm qua nay còn vang vọng.

Lại nhớ, những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên ấy, đất nước ta đang ở trong thế "ngàn cân treo sợi tóc": Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang ra sức hoành hoành, có những điểm bầu cử của chúng ta nhuốm đầy nước mắt và máu. Bởi vậy, trong lời kêu gọi của mình, Bác kính yêu đã ví những lá phiếu bầu của cử tri cũng giống như thứ vũ khí sắc nhọn nhất để đánh kẻ thù. Vâng, ngày ấy, dân ta đã chứng tỏ rằng: "Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn để chống kẻ thù. Về mặt trận chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Nhớ lời Người ngày ấy, chúng ta lại càng phải có ý thức hơn, phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn đại biểu thật xứng đáng để ghi vào lá phiếu lịch sử của mình trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội. Chúng ta, mỗi cử tri phải thực hiện thật trọn vẹn nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bởi mọi sự lựa chọn của chúng ta ngày nay nó liên quan đến thật nhiều sự thịnh suy của đất nước. Đất nước đang trên con đường hội nhập và phát triển, đang bước vào quá trình CNH và HĐH, thì việc lựa chọn đại biểu có đủ đức, đủ tài để ghi vào lá phiếu của mình sẽ có ý nghĩa biết chừng nào. Vâng, cũng bởi như lời Người đã và đang vang vọng trong suốt 75 năm qua, thì, "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước". Trong số những đại biểu ra ứng cử và được đề cử, sẽ có những người trúng cử và có người không trúng cử. Nhưng dù trúng, dù không tất cả phải đoàn kết một lòng. "Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu : Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc". Còn những người không trúng cử, lời của Bác như động viên, căn dặn, thấu lý, đạt tình vừa chứa đựng đầy tính nhân văn mà vô cùng sâu sắc: "Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta thì lần sau quốc dân nhất định cử ta". Thực hiện lời kêu gọi của Người, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Ngay trong vùng có chiến tranh, đồng bào vẫn tìm cách tham gia bầu cử. Kết quả, toàn dân đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với hơn 98% tổng số phiếu bầu. Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, để ứng phó kịp thời với tình hình mới, Bác Hồ đã chủ trương triệu tập cuộc họp Quốc hội. Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Gần 300 đại biểu Quốc hội của cả nước đã về dự kỳ họp. Kỳ họp đã được tiến hành một các khẩn trương và có kết quả... Thành công của cuộc Tổng tuyển cử và thắng lợi của kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa I là thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và cũng cố chính quyền, đưa đất nước ta vượt qua những thử thách to lớn ban đầu, chuẩn bị điều kiện để tiến lên giai đoạn mới.

75 năm qua, lời kêu gọi ngày nào của Bác và những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần thứ nhất ấy đến nay vẫn còn nguyên đó tính thời sự và giá trị thực tiễn nóng hổi. Tin rằng, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 23/5/2021 này dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, đồng bào và cử tri cả nước nhất định sẽ lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thật sự đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm sáng, lòng trong, có trí tuệ, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng để cùng với Đảng, Nhà nước và Chính phủ gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua thiên tai, dịch bệnh xây dựng một nước Việt Nam vững bước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

CTV Nguyễn Thị Thọ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/75-nam-loi-keu-goi-cua-bac-ho-van-con-vang-vong-mai-20210506140315004.htm