75 năm Liên hiệp quốc - Luôn nỗ lực vì hòa bình thế giới

Ngày 24-10, toàn thế giới kỷ niệm Liên hiệp quốc (LHQ) tròn 75 tuổi, đánh dấu chặng đường lịch sử đáng nhớ và đáng tự hào của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (người thứ 2 bên trái) đối thoại với các nhà lãnh đạo trẻ nhân kỷ niệm 75 năm LHQ. Ảnh: LHQ

Thành quả lớn lao

Năm 1945, LHQ ra đời sau khi thế giới vừa trải qua Chiến tranh thế giới thứ 2 tàn khốc nhất trong lịch sử loài người với một mục tiêu cao cả: Không để Chiến tranh thế giới thứ 3 xảy ra. Ngày hôm nay, những người đứng đầu LHQ và các nước thành viên có thể ngẩng cao đầu tự hào rằng những nỗ lực phụng sự và phấn đấu của LHQ vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, đã đạt được nhiều thành quả.

LHQ của ngày hôm nay thực sự là tổ chức hùng mạnh nhất thế giới. Từ lúc chỉ có 51 nước tham gia vào năm 1945, LHQ hiện có 193 nước thành viên. Không ít trong số đó từng là những nước thuộc địa đã vùng lên đấu tranh để trở thành quốc gia độc lập, như Việt Nam. Có thể nói, những gì LHQ đã mang lại cho thế giới trong suốt 75 năm qua là hết sức đáng ghi nhận và vượt quá những kỳ vọng ban đầu. Người ta luôn thấy vai trò của LHQ trong những thời khắc quan trọng của thế giới: Đó là nỗ lực chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh lạnh hay ứng phó toàn cầu sau cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9… Hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như hỗ trợ nhiều nước chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình đã khiến LHQ hơn một lần được nhận giải Nobel Hòa bình. Những chiến sĩ mũ nồi xanh của LHQ đã cứu hàng ngàn, hàng vạn mạng sống của người dân khỏi bạo lực, giết chóc ở các vùng xung đột và trở thành cầu nối kiến tạo hòa giải cho rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, LHQ có vai trò quan trọng trong kết nối đa phương để hạn chế phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hạt nhân. Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân do LHQ khởi xướng đang tiến từng bước vững chắc tới đích có đủ số nước tham gia để có thể được phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2021. Đây là một trong những thành quả quan trọng khẳng định vai trò không thể thiếu của LHQ trong duy trì hòa bình thế giới. Nhờ những tiêu chuẩn và hành động cương quyết của LHQ đối với các nước có ý định sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học cũng như vũ khí sinh học mà thế giới tránh được nguy cơ phải đối mặt với thảm họa lớn, dù rằng vẫn chưa thể loại bỏ chúng hoàn toàn. LHQ cũng đóng góp đáng kể trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát và giới hạn hoạt động buôn bán vũ khí, đồng thời có nhiều nỗ lực nhằm hướng tới xóa bỏ hoàn toàn mìn sát thương trong xung đột.

Thách thức thời đại mới

Dù mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại, song LHQ đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, hoài nghi. Những vấn đề LHQ phải đương đầu giờ đây không chỉ gói gọn trong các mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh như đã đề ra hồi năm 1945, mà còn là tình hình môi trường ngày càng xuống cấp, quyền con người chưa được đảm bảo ở nhiều nơi; chiến tranh, xung đột xảy ra khiến hàng triệu người phải di cư, tị nạn, sống trong đói nghèo.

Bất chấp nỗ lực không mệt mỏi, LHQ vẫn chưa thể đạt được mục tiêu trong một số lĩnh vực trụ cột: Chưa thể trao quyền nhiều hơn cho người nghèo, người yếu thế; chưa thể chấm dứt những cuộc xung đột dai dẳng.

Thêm vào đó là sự xuất hiện của những thách thức mới, trực tiếp là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi số ca mắc Covid-19 của thế giới đang tiến tới con số 43 triệu người mắc, hơn 1,1 triệu ca tử vong, các hoạt động (thương mại, ngoại giao, đi lại) bị tê liệt, cả thế giới cũng ngỡ ngàng nhận ra: hành tinh toàn cầu hóa của chúng ta dễ tổn thương biết bao nhiêu. Có lẽ chính đại dịch đang khiến thế giới nhận ra rằng, cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đảm bảo cho LHQ phát huy được vai trò không thể thiếu là con đường duy nhất để thế giới cùng nhau vượt qua những thách thức hiện nay. Việc cải tổ đối với LHQ lúc này là việc làm cấp thiết, để có thể phát huy vai trò điều hòa lợi ích, thu hẹp bất đồng, xóa bỏ chia rẽ chính trị...

Đề cập vai trò của LHQ nhân dịp tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kỷ niệm 75 năm thành lập, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh: “Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, đã và đang nỗ lực hết mình để củng cố đoàn kết trong LHQ, đồng thời góp phần khẳng định rằng chỉ có cách tiếp cận đa phương mới giải quyết được những vấn đề mà LHQ hiện nay đang đối mặt”.

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/75-nam-lien-hiep-quoc-luon-no-luc-vi-hoa-binh-the-gioi-693570.html