73 năm ngày treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, Huế: Chuyện 'lạ' về tinh thần của lão tướng không sao, anh hùng không sắc phong

Có một vị chỉ huy chưa được sắc phong tướng, phong anh hùng nhưng những đóng góp của ông cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước thì ai cũng phải kính nể. Ấy là câu chuyện về ông Đặng Văn Việt từng được người Pháp mệnh danh là 'Hùm xám' đường số 4, một trong những Trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Ông Đặng Văn Việt thời lính. Ảnh nhân vật cung cấp

Người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu... đến Hùm xám đường số 4

Ấn tượng đầu tiên khiến tôi nhớ mãi về ông Đặng Văn Việt là dù đã gần 100 tuổi nhưng giọng nói vẫn hào sảng, khuôn mặt vẫn đầy tự hào khi kể về những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kể về ông, chắc chắn nhiều người sẽ bất ngờ về việc giũ bỏ thân phận “cậu ấm con quan” để theo cách mạng. Ông Việt sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Hai bên gia đình nội ngoại của ông đều thuộc “danh gia vọng tộc”: Cụ ngoại là Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học đã chỉ đạo và biên soạn nhiều tác phẩm sử địa, cụ nội là Tiến sĩ Đặng Văn Thụy phụ trách Quốc Tử Giám, cha là Đặng Văn Hướng, Thượng thư thời Bảo Đại.

Thuở nhỏ, ông theo học trường Quốc học Huế. Học hết Trung học ông đậu Tú tài toán, sau đó ra Hà Nội học Trường ĐH Y khoa Đông Dương. Năm học thứ 3, Nhật đảo chính Pháp, ĐH Đông Dương đóng cửa, ông trở về Huế hoạt động Việt Minh trong trường Thanh niên tiền tuyến (1945)...

Năm 1945, ông được giao nhiệm vụ cùng với Nguyễn Thế Lương (tức tướng Cao Pha) hạ cờ triều Nguyễn, treo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài giữa Kinh đô Huế ngày 21.8.1945.

Từ tháng 7.1947, cuộc đời binh nghiệp của ông Đặng Văn Việt gắn liền với đường số 4. Năm 27 tuổi, Đặng Văn Việt đã trở thành chỉ huy trưởng Trung đoàn thép 174, lúc đó Đại tướng Chu Huy Mân là Chính ủy Trung đoàn. Trong suốt 3 năm trên đoạn đường số 4 Cao Bằng - Lạng Sơn, ông Việt đã tổ chức rất nhiều trận phục kích và đánh đồn địch cho đến thắng lợi là cuộc tấn công cuối cùng vào tháng 10.1950. Trung đoàn 174 do ông chỉ huy đã tung hoành ngang dọc trên đường số 4 với hàng chục trận thắng giòn giã khiến quân Pháp nghe tên là khiếp vía và từng đặt biệt danh cho ông là “Hùm xám đường 4”.

Là 1 trong 2 Trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cùng với Đại tướng Lê Trọng Tấn), Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt trong mắt phía quân địch lúc đó thực sự là một dấu hỏi lớn. Nguyên Đại tá Pháp Charles De Pirey sau này có viết thư cho ông Đặng Văn Việt kể rằng: “Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra sau này là kẻ đối địch nguy hiểm nhất của chúng tôi, kẻ đã làm cho chúng tôi thất điên bát đảo trên đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi... Đặng Văn Việt đối với chúng tôi là một đối thủ cực kỳ mưu trí, nguy hiểm, không khoan nhượng nhưng cũng là con người biết tuân thủ những luật quốc tế về tù binh chiến tranh...”.

Ông Đặng Văn Việt (giữa) trong lần đến tặng sách cho Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: HN

Mất tài sản, mất người yêu

Kể về những đánh đổi của mình, ông Việt nói, mặc dù sống chết trải qua nhiều trận đánh, qua bao nhiêu khó khăn như ông không bao giờ run sợ. “Không ai tài giỏi trước bom đạn cả nhưng nếu vì thế mà ta hèn nhát, ta trốn chạy thì thà chết vinh còn hơn sống nhục”, ông Việt nói.

Giọng kể đang hào sảng của một vị trưởng chỉ huy chợt chùng xuống khi nhắc tới những cái mất. Khi tham gia cách mạng, người đầu tiên ông Việt mất là người yêu. Cái mất thứ 2 đối với ông Việt chính là do chính sách cải cách ruộng đất. Gia đình nhà ông Việt vốn là quan triều đình nhà Nguyễn nên bị đấu tố. Cụ Hướng (bố ông Việt) bị trói giữa đình, tước hết của cải, ruộng đất và bị mất sau 1 - 2 năm do không có tiền mua thuốc chữa bệnh.

Cuộc đời của ông Việt cũng vô cùng thăng trầm. Sau này, khi kết thúc cuộc đời binh nghiệp chuyển sang làm công tác tái thiết đất nước ở Bộ Xây dựng, Bộ Thủy sản, trên cương vị Cục phó phụ trách, ông vẫn luôn là một tấm gương về sự phấn đấu bền bỉ, dẻo dai. Ở tuổi 40, ông vẫn thi đỗ hệ vừa học, vừa làm của Đại học Bách khoa Hà Nội và tốt nghiệp kỹ sư sau 5 năm.

Năm 1980, ông nghỉ hưu và về ở trong một căn hộ ở tầng 4, khu tập thể cũ của Bộ Xây dựng rộng 32m2 theo tiêu chuẩn của vợ. Ông phải về nhà vợ trồng cây, bán quả, chắt chiu lo cho gia đình.

Với vốn văn hóa và kiến thức thực tiễn phong phú, khi nghỉ hưu ông đã viết gần 10 cuốn sách, hình như cuốn nào của ông cũng gây được tiếng vang: Cuốn hồi ức “Người lính già Đặng Văn Việt - chiến sĩ đường số 4 anh hùng” đã được dịch sang tiếng Pháp, và được giải nhất Văn học thế giới thể loại hồi ký năm 2004; cuốn “Đường số 4 rực lửa” được tặng giải A của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc... Đặc biệt, gần đây, khi cuốn sách “Người lính già kể chuyện dân tộc Việt Nam 4.000 năm chống xâm lược” gây được tiếng vang lớn.

Tướng không sao, anh hùng không sắc phong

Tổng kết đời chiến trận, ông Đặng Văn Việt cho biết đã chỉ huy 130 trận đánh, và thắng 116 trận... Đến hôm nay ông chỉ có quân hàm cao nhất là Trung tá và chưa một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.

Đánh giá về ông, anh hùng La Văn Cầu từng thốt lên: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ Thủ trưởng Việt phải được phong 5 - 10 lần”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng cho biết: “Ở Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị, khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào”.

Còn Đại tướng Lê Trọng Tấn - người cùng được phong quân hàm Trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam nhận xét: “Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm. Đặng Văn Việt là một quân nhân cách mạng, suốt cuộc đời có quá nhiều bão táp, nhưng lúc nào cũng tươi cười và sáng tạo trong khi còn nhiều thiếu thốn”.

Thiếu tướng Cao Pha – người cùng hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng tâm sự: “Đường số 4 như một tấm Huân chương gắn lên ngực Đặng Văn Việt để xác nhận: Việt đánh giặc giỏi, ít tốn xương máu của chiến sĩ... Tinh thần cao thượng, tấm gương sáng của Việt làm cho tôi và nhiều đồng đội xúc động tận đáy lòng”.

Không chỉ các tướng lĩnh, các bạn chiến đấu của Đặng Văn Việt bày tỏ lòng yêu quý và kính nể Việt, mà ngay những tướng tá Pháp cũng phải khâm phục người Trung tá thâm niên này. Đại tướng Bigear - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp nhận xét: “Việt, trong chiến tranh đã đóng vai trò là một vị tướng đối với kẻ địch của ông” hay “Người chỉ huy chiến trận mà không ai chê trách”... Tuy chưa có một nguyên nhân rõ ràng nhưng nhiều người cho rằng lý lịch chính là rào cản lớn nhất để ông Việt chưa được vinh danh xứng đáng, thế nhưng người ta vẫn thấy ở “Hùm xám đường số 4” tinh thần lạc quan, không tiêu cực.

Có người hỏi sao lâu vậy mà không được phong tặng danh hiệu sao ông không bất mãn, không tiêu cực về địa vị, về hưởng thụ - ông Việt cười bảo - “Tôi đâu có thiệt thòi bởi trong bụng mẹ đã đi ôtô, mới sinh ra đã ở nhà lầu, học trường Tây, chơi với Tây. Nguyện vọng lớn nhất là đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước cho nên đã khi tham gia cách mạng, hợp với ý tưởng của mình và thực hiện được nguyện vọng nên tôi chiến đấu rất hăng say. Nếu không có Bác Hồ, không có Đảng Cộng sản thì tôi đã không hoàn thành được mong muốn của mình. Trong cách mạng có được, có mất, có vui, có buồn nhưng tôi thấy mình được nhiều hơn mất, vui nhiều hơn buồn bởi tôi “được” cả giang sơn, “được” cả một dân tộc. Tôi giống như nhiều người Việt khác hy sinh cái nhỏ để được cái lớn. Tôi vui mừng khi mình trở thành tướng của lòng dân, con của muôn họ, được người dân vinh danh, ghi nhận - đó là điều vui sướng, hạnh phúc nhất”.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/73-nam-ngay-treo-co-do-sao-vang-tren-dinh-cot-co-phu-van-lau-hue-chuyen-la-ve-tinh-than-cua-lao-tuong-khong-sao-anh-hung-khong-sac-phong-625595.ldo