73% ca tử vong tại Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm

Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp; gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật.

Ung thư đang là gánh nặng bệnh tật lớn ở Việt Nam. Ảnh: DN

Ngày 21/11, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VI năm 2017 với chủ đề "Phòng chống các bệnh không lây nhiễm".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm, (chiếm 70- 75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam không lây nhiễm cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính.

Theo bà Xuyên, ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp; gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.

Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam thừa nhận hiện tình trạng gia tăng các bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa có ý thức phòng bệnh, còn khoảng 45% dân số là nam giới hút thuốc lá; 77% dân số uống rượu; số người thừa cân béo phì không ngừng tăng... Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Để hạn chế sự gia tăng và sự nguy hiểm của bệnh không lây nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các cơ sở y tế các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông phòng chống, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng.

“Ngành Y tế kêu gọi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng chế độ ăn uống, vận động khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chủ động khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra”, Bộ trưởng Y tế nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/73-ca-tu-vong-tai-viet-nam-la-do-benh-khong-lay-nhiem.aspx