70% ưu đãi 'thân hữu': Một hình thức tham nhũng khác

Quan hệ 'thân hữu' chính là một hình thức tham nhũng về chính sách, muốn chặn 'thận hữu' phải chặn cho được các cửa tham nhũng.

Từ báo cáo về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu" vừa được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) ghi nhận có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong quá trình thực hiện các chính sách đấu thầu công khai, minh bạch.

Khó kiểm soát doanh nghiệp "thân hữu". Ảnh minh họa: Dân Việt

Khó kiểm soát doanh nghiệp "thân hữu". Ảnh minh họa: Dân Việt

Sự chuyển biến được thể hiện qua việc làm giảm tỉ lệ ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp "thân hữu" từ 77% năm 2015 xuống còn 70% năm 2018, tức là giảm được 7% trong 3 năm. Mặc dù vậy, ông Nhường cũng thừa nhận với mức chuyển biến trên chưa thể đạt được những kỳ vọng của xã hội.

Chưa kể, 7% giảm đó có thể mới chỉ nằm ở những gói thầu nhỏ, gói thầu không quan trọng, trong khi các gói thầu lớn hơn, quan trọng hơn vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau".

Về vấn đề này, ông Nhường cho rằng Bộ KH-ĐT cần phải ban hành luật chơi thật công bằng, bình đằng mới có thể kéo giảm được nguồn vốn đầu tư của xã hội xuống và giúp làm tăng tính hiệu quả và chất lượng của nguồn vốn lên.

Ông Nhường lưu ý, một chiếc bánh nếu chia quá nhiều cho một người sẽ khiến người khác bị mất phần. Đó là quy luật, tương tự, ưu đãi nếu dồn cho doanh nghiệp "thân hữu" sẽ không còn để dành cho những nhóm doanh nghiệp khác phát triển.

Bày tỏ mối quan ngại khác, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) muốn làm rõ hơn số liệu thống kê của VCCI. Những vấn đề phải làm rõ theo ông Bình như: khái niệm về doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" là gì? 70% ưu đãi đó là thống kê về số lượng hay về khối lượng?

Ông Bình cho rằng, việc làm rõ những khái niệm trên để minh bạch hơn các nguồn ưu đãi.

Vị đại biểu lấy ví dụ, doanh nghiệp "thân hữu" có khi là doanh nghiệp tư nhân móc nối với các bộ quản lý nhà nước nhưng cũng có những doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" lại thuộc ngay các bộ, ngành quản lý. Như vậy, vấn đề này phải làm rõ thế nào? Các cơ chế ưu đãi sẽ đem lại tác động tích cực, tiêu cực ra sao? Theo vị đại biểu, nếu chưa làm rõ những vấn đề trên thì khó tách bạch được cơ chế với chính sách ưu đãi và như vậy rất khó xác định được một cách minh định về khái niệm "thân hữu" cũng đồng nghĩa sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề nhập nhèm, không minh bạch, thậm chí có sự lẫn lộn, đánh đồng giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ xã hội để gian lận chính sách, khó có thể kiểm soát.

Phải chặn tham nhũng

Yêu cầu trên của ĐBQH Hồ Thanh Bình cũng xuất phát từ những lo ngại khi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang diễn ra nhưng không kiểm soát được tình trạng "thân hữu" có thể sẽ đẩy nền kinh tế phải đối diện với những rủi ro.

Theo ông Bình quan hệ "thân hữu" chính là một hình thức tham nhũng về chính sách, là doanh nghiệp dựa vào các mối quan hệ với một số cán bộ lãnh đạo lợi dụng quyền lực, tạo cơ chế ưu đãi, lợi thế cho mình. Như vậy, nếu muốn ngăn chặn được doanh nghiệp "thân hữu" thì phải chặn được các cửa tham nhũng, như vậy, mới tạo được động lực cho nền kinh tế phát triển.

Dẫn bài học cổ phần hóa từ các nước Đông Âu, ông Bình đưa ra lời cảnh báo cho các cơ quan quản lý phải tăng cường quản lý, giám sát, đề cao cảnh giác trong phòng chống tham nhũng mới ngăn chặn được các hệ lụy xảy ra.

Nói thêm về việc này, ĐBQH Lê Công Nhường cho biết, tại Luật Chứng khoán, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật đầu tư... cũng đã đề cập rất nhiều tới nguy cơ tham nhũng, cấu kết tẩu tán tài sản của nhà nước sang cho tư nhân.

Hầu hết đều thừa nhận, chống doanh nghiệp "thân hữu" cũng giống như chống tham nhũng, rất phức tạp, không phải một sớm một chiều có thể ngăn chặn, giải quyết triệt để được. Do đó, cần có sự thực hiện đồng bộ giữa các luật và hơn hết là quyết tâm minh bạch nền kinh tế, minh bạch mọi thủ tục quy trình hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các khu vực.

70% ưu đãi doanh nghiệp 'thân hữu': Khó kiểm soát

Theo ông Nhường, những lo ngại trên cũng đã được nhận diện, vì thế mà quá trình cổ phần hóa cũng bị kéo chậm lại, không đạt được mục tiêu như ban đầu đã đề ra.

Tuy nhiên, về thực tế muốn ngăn chặn, hạn chế được những nguy cơ quyền biến thành lợi ích trực tiếp khi thực hiện cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước thì cần phải công khai minh bạch, để thị trường quyết định.

"Vai trò của nhà nước là ban hành các chính sách khung, tạo luật chơi, còn để thị trường tự tiếp cận chứ không nên can thiệp một cách thô bạo, cứng nhắc, không sử dụng các thủ tục hành chính để điều hành quá trình cổ phần hóa", vị đại biểu nói.

Bên cạnh đó, ông Nhường cũng cho rằng, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp cần được bàn bạc một cách nghiêm túc về cái được và cái mất khi quyết định thực hiện cổ phần hóa. Nếu quá rụt rè sợ mất tài sản công mà kéo chậm cổ phần hóa cũng sẽ gây ra những hệ lụy, kéo theo sự kìm hãm phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, ngược lại, cổ phần hóa một cách ồ ạt, không được kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ tạo những nguy cơ tài sản bị tẩu tán, phân chia cho tư nhân.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/70-uu-dai-than-huu-mot-hinh-thuc-tham-nhung-khac-3394093/