70% trẻ lác mắt có kèm theo tật khúc xạ không được chỉnh kính

Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ diễn tiến nhanh và có thể dẫn tới các biến chứng gây mù lòa.

Theo Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn BV Mắt Hà Nội 2 - TS.BS Vũ Anh Tuấn, trẻ em bị tật khúc xạ tới viện khám ngày một tăng, điển hình là trẻ bị cận thị tiến triển nhanh, có cháu khám lần đầu đã cận độ 2 và độ 3, thị lực 1/10. Đặc biệt, nhiều cháu lần khám sau độ cận tăng hơn lần khám trước khiến cho cha mẹ hoang mang thấy độ kính của con tăng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo TS.BS Vũ Anh Tuấn do cha mẹ chưa biết cách phòng tránh để giữ gìn đôi mắt sáng, khỏe cho con. Cha mẹ nên cho con đi khám ít nhất 1 năm 2 lần. Khi các cháu học bài hay đọc sách 45 phút phải cho các cháu nghỉ, thư giãn để cho mắt nghỉ, không để mắt hoạt động nhiều.

Cũng theo BS Tuấn, có tới 70% trẻ bị lác mắt có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính. Đáng nói, hiện tượng lác mắt ở trẻ ngày càng tăng và nhiều trẻ không được khám chữa kịp thời gây ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và thị lực của trẻ.

Theo ông Tuấn, lác mắt là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng. Điều đó có nghĩa là khi một mắt nhìn thẳng ra phía trước thì mắt còn lại sẽ liếc vào trong, ra ngoài, nhìn lên hoặc xuống. Do hai mắt không nhìn cùng một hướng nên chúng tập trung tiêu điểm vào những điểm hoặc vật thể khác nhau. Do đó, não sẽ bỏ qua những tín hiệu đến từ một trong hai mắt để tránh hiện tượng nhìn đôi. Do đó, chỉ còn một mắt được sử dụng để tập trung tiêu điểm vào vật thể. Hầu hết những trường hợp lác mắt xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, vào khoảng thời gian não đang học cách nhìn.

TS.BS Vũ Anh Tuấn

TS.BS Vũ Anh Tuấn

Theo BS Tuấn, có một số trường hợp lác mắt nhưng thị lực của mỗi mắt vẫn còn tốt. Trong những trường hợp này 2 mắt sẽ được dùng xen kẽ qua lại với nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, đường dẫn truyền thị giác sẽ phát triển ở mỗi mắt. Ở nhiều trường hợp lác mắt, một mắt giữ chức năng chính yếu. Mắt còn lại không được dùng để nhìn do đó não bỏ qua tín hiệu do nó truyền đến. Khi đó con mắt phụ này sẽ không phát triển đường dẫn truyền thị giác bình thường được dẫn đến nhược thị.

"Do vậy, khi cha mẹ nghi ngờ trẻ có dấu hiệu lác mắt thì nên cho trẻ sớm tới cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và điều trị nếu cần thiết, tránh hậu quả đáng tiếc với trẻ", BS Tuấn khuyến cáo.

Tương tự với biểu hiện sụp mi ở trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ thường suy nghĩ đơn giản khi trẻ lớn sẽ can thiệp để cải thiện thẩm mĩ mà không biết rằng đó cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến nhược thị cho trẻ.

PGS.TS. BS. Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ BV Mắt Hà Nội 2 cho biết, sụp mi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh và chiếm 75% các trường hợp sụp mi. Khi mi bị sụp, lúc đó mí mắt che phủ một phần hoặc hoàn toàn con ngươi, hạn chế vùng nhìn thấy, và lâu dài sẽ gây giảm sức nhìn do nhược thị. Biểu hiện sụp mí dễ nhận biết nhất là mắt (một bên hoặc cả hai) không mở lớn được, mí mắt che phủ con ngươi. Mức độ sụp của mi không thay đổi theo thời gian và tình trạng sức khỏe.

Do cha mẹ không biết sụp mi cũng hại mắt nên nhiều trẻ khi được đưa tới bệnh viện thì bệnh đã rất nặng, mí đã che khuất mắt khiến trẻ không thể nhìn được. Sụp mi có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc lác, loạn thị, 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ.

Trẻ bị tật khúc xạ khi học bài 45 phút cha mẹ phải cho con nghỉ ngơi, thư giãn, không để mắt hoạt động nhiều

Bên cạnh đó, những bất thường khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị và loạn thị hiện khá phổ biến hiện này có thể giải quyết được bằng cách mang kính, phẫu thuật.... Tuy nhiên, thực tế nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến viện trong giai đoạn muộn, thậm chí có trẻ nhược thị không thể can thiệp.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ khi thấy trẻ các các dấu hiệu như lác mắt, sụp mi, nhìn xa khó nhìn, xem tivi phải nheo mắt hay khi đọc sách cúi sát xuống, đi học nhiều nhức mỏi mắt, nhìn trên bảng không đọc được và không hết chữ dẫn đến kết quả học tập ảnh hưởng thì phải cho con đi khám chuyên khoa mắt ngay.

Với trẻ mạnh khỏe cũng nên đều đặn 1 năm thăm khám thị lực 1 lần, còn với trẻ đã có tật khúc xạ nên định kỳ 6 tháng/khám hoặc theo hẹn lịch khám của bác sĩ điều trị.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/70-tre-lac-mat-co-kem-theo-tat-khuc-xa-khong-duoc-chinh-kinh-599751/