70% người mắc bệnh lao trong độ tuổi lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc...

Phó giáo sư Lê Văn Hợi - Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm với tỷ lệ mắc lao mới giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 2%/năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình chống lao quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.

Ước tính năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Trong năm 2018, Việt Nam đã tiếp tục phát hiện và đăng ký điều trị cho hơn 100.000 bệnh nhân lao thường, hơn 3.000 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới

Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Đáng lưu ý, một khó khăn lớn trong công tác phòng chống lao hiện nay đó là mạng lưới chống lao khó tiếp cận với trẻ em. Theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, trong năm 2018, Chương trình đã khám cho hơn 18.000 trẻ tiếp xúc nguồn lây đăng ký sàng lọc bệnh lao. Trong đó, số trẻ tiếp xúc được thu nhận vào điều trị là gần 4.000 trường hợp. Số trường hợp mắc lao trẻ em phát hiện trong năm qua là 1.656 ca các thể, trong đó số trường hợp mắc lao trẻ em trong nhóm tuổi từ 0-4 (dưới 5 tuổi) là 549 trường hợp (chiếm 39%).

PGS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao Quốc gia cho hay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007, lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

DUY ANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/70-nguoi-mac-benh-lao-trong-do-tuoi-lao-dong-d93661.html