70 năm truyền thống vẻ vang của Trường Đảng mang tên Bác

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước(1).

Tháng 9-1949, học viện, khi đó là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đặt tại xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đến dự lễ khai giảng lớp khóa II của hai khóa huấn luyện cán bộ đầu tiên và viết vào sổ vàng của trường lời huấn thị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(2). Ngày Bác về thăm trở thành ngày truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Lời căn dặn của Bác, cũng là bài học đầu tiên mà Người dành cho thầy, trò Trường Đảng, trở thành chỉ dẫn quý báu cho công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ của Đảng ta nói chung và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng.

70 năm qua, tự hào luôn là mái Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu, mỗi bước trưởng thành và dấu mốc phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh luôn gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (năm 1949) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc; Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (năm 1962) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (năm 1977) tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Học viện Khoa học Xã hội mang tên Nguyễn Ái Quốc (năm 1986) mang trọng trách chính trị lớn lao trong những năm đầu thời kỳ đổi mới; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (năm 1993) và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2007) với những bước phát triển mới mang tính hệ thống và có trọng trách phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là một hệ thống bao gồm trung tâm học viện và 5 học viện trực thuộc (4 học viện khu vực tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và Học viện Báo chí và Tuyên truyền), với những đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của Đảng và hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp được học tập và rèn luyện tại học viện, trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Học viện đã có những đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đội ngũ các nhà khoa học của học viện là lực lượng chủ lực giảng dạy, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin; đi đầu trong việc nghiên cứu làm rõ nội dung, khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Trong những năm đổi mới, kết quả nghiên cứu khoa học của học viện đã góp phần làm rõ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta; góp phần phân tích, đánh giá thời đại ngày nay và thế giới đương đại; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, hoàn thiện lý luận và chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, về tôn giáo, quyền con người và bình đẳng giới… Đặc biệt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, cán bộ học viện đã trực tiếp tham gia nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết của Trung ương và các văn kiện Đại hội Đảng.

Trong những năm qua, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, tổ chức, bộ máy của học viện ngày càng được kiện toàn theo hướng hệ thống, đồng bộ, bảo đảm dân chủ, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Học viện tăng cường phân công, phân cấp, phát huy tính chủ động sáng tạo và những lợi thế của các học viện trực thuộc. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống học viện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ các trường chính trị tỉnh, thành phố có bước phát triển rõ rệt, khẳng định vai trò là hình mẫu và hạt nhân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong hệ thống các cơ sở đào tạo lý luận chính trị của cả nước. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của học viện. Công tác báo chí và xuất bản được quan tâm, đầu tư phát triển, giữ vững bản chất của báo chí cách mạng và ngày càng đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được tổ chức chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giúp nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị và tăng cường lòng yêu nước, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật được chú trọng, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng mô hình quản trị thông minh tại học viện được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách, góp phần hiện đại hóa học viện.

Phát huy truyền thống quý báu của Trường Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và người lao động của học viện luôn đoàn kết một lòng, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và giữ gìn môi trường sư phạm thân thiện, sáng tạo và mẫu mực. Các thế hệ cán bộ của học viện luôn để lại hình ảnh trong sáng về người đảng viên, cán bộ, người thầy giáo, cô giáo Trường Đảng. Nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Với những đóng góp liên tục, to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác. Đây là sự ghi nhận và tuyên dương của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những thành tựu to lớn và đóng góp xứng đáng của học viện vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ từng học tập, công tác tại Trường Đảng mang tên Bác.

Qua 70 năm liên tục phấn đấu và trưởng thành, học viện đã tích lũy được một số kinh nghiệm quý:

Trước hết, phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của học viện với vai trò là Trường Đảng cao cấp của Trung ương. Dù trải qua nhiều tên gọi khác nhau, học viện luôn là Trường Đảng có chức năng cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho cả hệ thống chính trị và cán bộ lý luận chính trị cho cả nước. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, nâng cao tri thức, lý luận chính trị và rèn luyện lập trường, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phương pháp tư duy, tác phong công tác cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, học viện phải bám sát thực tiễn phát triển và những yêu cầu cụ thể của công tác cán bộ và công tác tư tưởng của Đảng trong từng thời kỳ.

Thứ hai, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và các mặt công tác khác của học viện. Trong mọi hoàn cảnh, học viện luôn kiên định giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái; bảo vệ và phát triển những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong chương trình, giáo trình và bài giảng, trong nghiên cứu khoa học, trong suy nghĩ, tình cảm, trong từng bài giảng và bài viết của giảng viên, cán bộ học viện.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, đoàn kết thống nhất, có phong cách, lề lối làm việc khoa học, mang bản sắc văn hóa Trường Đảng, kế tiếp xứng đáng truyền thống vẻ vang của học viện trên mỗi chặng đường phát triển.

Thứ tư, luôn tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo để xây dựng, phát triển học viện về mọi mặt.

Tầm nhìn phát triển của học viện đến năm 2045 là trở thành trung tâm quốc gia có uy tín cao trong khu vực và thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; về nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, xứng đáng là Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong những năm sắp tới, học viện nỗ lực đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, trước hết về nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; gắn trang bị tri thức với rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao kỹ năng; gắn nghiên cứu, giáo dục lý luận với thực tiễn, thông qua tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận; nắm vững và phát triển lý luận Mác-Lênin kết hợp với nắm bắt có chọn lọc các lý thuyết phát triển hiện đại; đổi mới công tác quản lý đào tạo phù hợp với quy mô và các loại hình đào tạo rất đa dạng hiện nay; giải quyết đồng bộ yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo với tăng cường đào tạo tập trung, chú trọng hơn chất lượng và hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Trong nghiên cứu khoa học, học viện sẽ tổ chức nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm; phấn đấu có nhiều hơn các công trình nghiên cứu lớn, có chất lượng, ghi dấu ấn đậm nét của học viện trong nghiên cứu lý luận cũng như trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lý luận, đội ngũ cán bộ chuyên môn của học viện tiếp tục chú trọng nghiên cứu có hệ thống các tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nghiên cứu và nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, cán bộ, giảng viên phải thường xuyên tham gia tổng kết thực tiễn, cập nhật tình hình đất nước và thế giới để vững vàng về lý luận, am tường về thực tiễn, toàn diện và sâu sắc trong phương pháp, kỹ năng, để từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả tham mưu, đề xuất với Trung ương trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Cán bộ, công chức, viên chức học viện phải là những người đi đầu trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm lệch lạc, sai trái; chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trong thời gian tới, học viện sẽ tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của học viện, sớm khắc phục tình trạng hẫng hụt về cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực lý luận chính trị. Học viện tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, chú trọng củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, đồng thời phát triển quan hệ với các đối tác mới nhằm tiếp thu những thành tựu mới của khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý và khoa học giáo dục hiện đại.

Học viện tiếp tục tập trung xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; vừa tận dụng nguồn lực vật chất hiện có, vừa trang bị các phương tiện hiện đại; chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước, vừa năng động khai thác các nguồn tài chính khác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu và trong các công tác quản lý chuyên môn của học viện.

Với truyền thống vẻ vang do lớp lớp người đi trước góp sức xây dựng trong 70 năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phấn khởi, tự hào và có niềm tin vững chắc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với sứ mệnh và trọng trách to lớn, thiêng liêng của Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

(1) Dẫn Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(2) Trích Sổ vàng truyền thống của Trường Nguyễn Ái Quốc, lưu trữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/70-nam-truyen-thong-ve-vang-cua-truong-dang-mang-ten-bac-591036