70 năm hợp tác Việt - Xô, Việt - Nga: Dấu ấn vượt thời gian

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân và Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đồng chủ trì tổ chức tọa đàm '70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian'.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo, đại biểu nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, các nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội từng sống, học tập tại Liên Xô/Liên bang Nga.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo, đại biểu nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, các nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội từng sống, học tập tại Liên Xô/Liên bang Nga.

Nằm trong kế hoạch xây dựng Bộ hồ sơ về 70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga, do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện, tọa đàm nhằm giữ gìn và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước; tôn vinh những đóng góp to lớn, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo hai nước, hai quân đội Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga trong xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.

Đặc biệt, tọa đàm có sự tham dự của Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, người được vinh dự trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những phi công tiêm kích SU-27 đầu tiên của Việt Nam. Đây là những phi công quân sự từng học tập và trưởng thành dưới những mái trường Không quân nổi tiếng của Liên Xô và trở thành sỹ quan quân đội cao cấp của Việt Nam.

Tọa đàm gồm 2 phần “Dấu ấn vinh quang” và “Tương lai rộng mở”, tập trung vào các nội dung: Lịch sử hợp tác đào tạo; Những dấu ấn nổi bật trong hợp tác đào tạo cán bộ Quân đội trong quan hệ quốc phòng, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước; Giới thiệu những kết quả hợp tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trao đổi ngôn ngữ; Tình cảm, sự tri ân của những cựu du học sinh Việt Nam tại Liên Xô/Liên bang Nga với mảnh đất nặng nghĩa tình; Tiềm năng hợp tác đào tạo Việt - Nga trên các lĩnh vực trong thời gian tới, đặc biệt là đào tạo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng...

Các ý kiến tham luận, trao đổi đã khẳng định: 70 năm qua, hợp tác về giáo dục và đào tạo là lĩnh vực điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đã được thử thách qua thời gian giữa hai dân tộc. Trong đó, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đóng vai trò nền tảng và nòng cốt, mang nhiều dấu ấn đặc biệt nhất.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Đại tá Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Trong mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn của mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã khẳng định “đây chính là tài sản vô giá mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ và phát huy, là tiền đề đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả”.

Tại tọa đàm, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết cách đây 48 năm, đêm 29/12/1972, là thời điểm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, với phần thắng nghiêng về ta. Sau đó gần một tháng, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. 48 năm trước, phi công Phạm Tuân bằng ý chí, lòng dũng cảm của người Việt Nam và vũ khí Liên Xô (Mig 21) đã bắn rơi một máy bay B52 của không quân Mỹ. Dịp này, Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã tặng anh hùng Phạm Tuân lẵng hoa gồm 48 bông cẩm chướng tượng trưng cho chiến thắng theo văn hóa của Liên Xô để chúc mừng chiến công của Trung tướng Phạm Tuân 48 năm về trước.

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/70-nam-hop-tac-viet-xo-viet-nga-dau-an-vuot-thoi-gian-1771821.tpo