70% đông trùng hạ thảo là hàng giả, kém chất lượng

Tại tọa đàm trực tuyến 'Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển', các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin bất ngờ khi cho rằng có đến 70% đông trùng hạ thảo trên thị trường là hàng giả, kém chất lượng.

Đông trùng hạ thảo trong tự nhiên là một loại đông dược quý hiếm, có tác dụng trong chữa, điều trị nhiều bệnh như hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe, tăng cường miễn dịch, ổn định nhịp tim, cải thiện đường hô hấp,..., giá trị có thể lên tới hàng tỷ đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay loại đông dược này được rao bán tràn lan trên thị trường cũng như trên các trang mạng, ai cũng có thể mua được.

Cụ thể, giá bán đông trùng hạ thảo ở một số nơi dao động từ 1-2 triệu đồng/lạng nhưng cũng có doanh nghiệp cạnh tranh bán chỉ 3,5 triệu đồng/kg, tức là chỉ 350 nghìn đồng/lạng, thấp gấp 3-6 lần doanh nghiệp khác.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng có đến 70% đông trùng hạ thảo trên thị trường là hàng giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng có đến 70% đông trùng hạ thảo trên thị trường là hàng giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm trực tuyến "Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển" diễn ra ngày 28/8 ở Hà Nội, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin bất ngờ khi cho rằng có đến 70% đông trùng hạ thảo trên thị trường là hàng giả, kém chất lượng, chỉ có khoảng 30% là hàng thật do đó người tiêu dùng nếu không cẩn trọng rất dễ mua nhầm.

Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không có lương tâm, khi sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10mg thì chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề.

Theo TS Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm– Bộ NNPTNT), hiện nay hoạt động khai thác đông trùng hạ thảo đang có 2 nguồn đó là tự nhiên và nuôi cấy. “Sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không bảo đảm ở nhiệt độ -50 độ C hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết”, TS Phạm Văn Nhạ nói.

Trong nước cũng đã có nhiều cơ sở đã nuôi trồng được đông trùng hạ thảo nhưng chất lượng sẽ khác nhau do phụ thuộc vào các yếu tố: Giống đầu vào, công nghệ nuôi trồng, công nghệ thu hoạch, chế biến… Doanh nghiệp có thể lựa chọn được chủng nấm tốt, tuy nghiên quá trình nuôi cấy, môi trường không tốt, thì sản phẩm chất lượng cuối cùng cũng không thể tốt. Vì thế, hiện thị trường vẫn tồn tại song song hai loại sản phẩm đông trùng hạ thảo thật và giả, có nguồn gốc từ trong nước và nhập khẩu.

Bên cạnh đó, vì lợi nhuận cao nên đông trùng hạ thảo là loại đông được đang được làm giả một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. Các đối tượng làm giả có thể dùng bột mì, bột nghiền từ côn trùng, rồi trộn với keo, đúc thành đông trùng hạ thảo. Với công nghệ đúc hiện nay, các đối tượng sẽ đúc được những con đông trùng hạ thảo giả giống hệt như thật.

Ngoài những ngươi có kinh nghiệm phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả, theo TS Nhạ, cách phân biệt chính xác nhất là dùng kính hiển vi để soi chiếu phần thảo của sản phẩm. Lát cắt phần thảo dưới kính hiển vi cho thấy, lát cắt có hình dạng bó sợi là hàng thật, còn cấu trúc dạng tinh thể là hàng giả.

Lát cắt phần thảo dưới kính hiển vi cho thấy, lát cắt có hình dạng bó sợi (trái) là hàng thật, còn cấu trúc dạng tinh thể (phải) là hàng giả.

GS.TS. Phạm Hưng Củng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền (Bộ Y tế) cũng cho biết, phần lớn quan niệm hiện nay cho rằng, đông trùng hạ thảo có nguồn gốc là từ Tây Tạng (Trung Quốc) và có giá rất cao, dao động từ 1-2 tỷ đồng/kg. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ trong nước và nhập khẩu. Song, mặc dù là sản phẩm đông trùng hạ thảo nhập khẩu song khi kiểm nghiệm thì có chất lượng dược dưỡng không cao.

Chính vì vậy, để hoạt động quản lý được minh bạch và đảm bảo, GS. Phạm Hưng Củng kiến nghị, có 5 việc cần minh bạch. Thứ nhất, minh bạch nuôi trồng có chủng, loại, có nguyên sinh thì coi là đông trùng hạ thảo. Thứ hai, minh bạch chứng nhận kiểm nghiệm hàm lượng adenosin. Thứ ba, minh bạch tên. Thứ tư minh bạch công bố sản phẩm theo ATTP đã yêu cầu. Thứ năm, minh bạch giá. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước có trăm tay nhìn mắt tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp không tự mình làm ăn chân chính thì thị trường vẫn không thể có những sẩn phẩm chất lượng và tốt.

Cao Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/70-dong-trung-ha-thao-la-hang-gia-kem-chat-luong-1107351.html