70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam

Có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội rất lớn mở ra cho ngành nông nghiệp trong nước phát triển.

Đó là số liệu trong khảo sát công bố gần đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), khảo sát đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản về thị trường Việt Nam.

Mới đây, bà Nagura Kazuko - Phó trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp Nhật Bản như: quy mô thị trường tiêu thụ lớn, kinh tế tăng trưởng ổn định, chi phí lao động thấp... Tính riêng trong 9 tháng của năm 2019, đã có 48 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam với số vốn đăng ký là 270 triệu USD. Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam tập trung nhiều tại các tỉnh Hà Nam, Lâm Đồng.

Tại chương trình "Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp 2019", ngày 04/12 do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) - Văn phòng đại diện tại Hà Nội tổ chức có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị, nguyên vật liệu để sản xuất ra các sản phẩm nông sản để đưa đến người tiêu dùng.

Chương trình "Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp 2019"

Chương trình "Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp 2019"

Đến với sự kiện, bà Dương Ngọc Ánh, đại diện Công ty TNHH MTV Nông sản An Phú cho biết: Doanh nghiệp rất muốn tìm đối tác trong nước, tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của công ty. Bên cạnh đó, việc đối tác cung cấp vật tư ngành nông nghiệp tại Việt Nam “không giữ chữ tín” cũng là một vấn đề đau đầu cho công ty khi ban đầu quy trình đưa ra rất tốt, thế nhưng khi đi vào vận hành một thời gian thì lại không thực hiện chuẩn như cam kết ban đầu.

Việc đầu tư công nghệ cao được cung cấp bởi các các doanh nghiệp Nhật Bản chi phí khá cao so với các đối tác Việt Nam. Tuy nhiên, với định hướng phát triển xanh, bền vững, bà Dương Ngọc Ánh cho rằng An Phú vẫn sẽ tìm cho mình giải pháp phù hợp từ các doanh nghiệp Nhật Bản và sẵn sàng đầu tư để đảm bảo chất lượng cũng như quy trình.

Ông Ngô Quang Minh - Phó Giám đốc Công ty Cam Sành Hàm Yên.

Chia sẻ với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngô Quang Minh - Phó Giám đốc Công ty Cam Sành Hàm Yên thì cho biết: "Cam Hàm Yên, Tuyên Quang có sản lượng lớn, chất lượng rất cao. Tuy nhiên thời điểm chín rộ của cam Hàm Yên chỉ trong vòng 1 tháng khiến giá sản phẩm rơi xuống rất thấp. Chúng tôi đang tìm kiếm và kỳ vọng về một giải pháp để chế biến, bảo quản và nâng cao giá trị của sản phẩm."

"Công ty chúng tôi cũng tìm nhiều phương án để bảo quản", tuy nhiên, theo ông Minh nếu có bảo quản thì cũng chỉ có thể lên đến nghìn tấn - như vậy cũng không nghĩa lý gì với sản lượng một vụ cam. "Vì vậy công ty đang rất muốn tìm được dây chuyền để có hướng đi mới cho quả cam đặc sản của Tuyên Quang. Chúng tôi đã đi khắp nơi cũng như đến với chương trình kết nối này để tìm cho mình những giải pháp về công nghệ, về thị trường", ông Minh cho biết.

Đến với chương trình, Phó Giám đốc Công ty Cam Sành Hàm Yên quan tâm và rất hứng thú với thiết bị sấy hoa quả của một doanh nghiệp Nhật Bản. "Chúng tôi đã có demo sản phẩm rượu cam, tinh dầu, xà phòng cam vì vậy hiện nay tôi quan tâm đến máy sấy cam. Nếu công nghệ của các nước tiên tiến như Đức,... cũng tốt nhưng chi phí quá cao, trong khi một thiết bị máy sấy lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại sự kiện rơi vào khoảng 35,000 USD - như vậy là ở mức chấp nhận được.

Ông Tomofumi Abe - Giám đốc dự án của Jetro Hà Nội.

Về phía các doanh nghiệp đến với sự kiện, ông Tomofumi Abe - Giám đốc dự án của Jetro Hà Nội cho biết: các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn chuyển giao các công nghệ của Nhật cho doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Việt Nam, những doanh nghiệp tham dự sự kiện ngoài tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của Nhật còn thu được rất nhiều các mối quan hệ cũng như các đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Tomofumi Abe - Giám đốc dự án của Jetro Hà Nội, hợp tác nông nghiệp Nhật - Việt có rất nhiều dư địa để phát triển. Các doanh nghiệp Nhật ngày càng quan tâm tới thị trường nông nghiệp của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn chuyển giao các công nghệ của Nhật cho doanh nghiệp Việt Nam

Ông Tomofumi Abechia sẻ: Thông qua chương trình xúc tiến này chúng tôi mong muốn kết nối doanh nghiệp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam để các doanh nghiệp trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Việt Nam không thể chỉ nhập các máy móc thiết bị mà không có sự chuyển giao công nghệ thì khó thành công tại thị trường Việt Nam. cái cần nhất là các doanh nghiệp phải có mối quan hệ hợp tác, đối tác tin cậy của nhau để hai bên hỗ trợ lẫn nhau.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ket-noi-doanh-nghiep-nhat-viet-trong-linh-vuc-nong-nghiep-162746.html