7 sai lầm của cha mẹ biến con trở thành người vô cảm

Quan niệm 'cha mẹ nói con nghe' đã xưa cũ, khi hành vi, thái độ của một đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu những hành động của chúng ta.

Dưới đây là 7 sai lầm Thủy Anh - bà xã của ca sĩ Đăng Khôi - rút ra từ kinh nghiệm bản thân và quan sát những người xung quanh, khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực, sai lệch và hành động không phù hợp.

Cha mẹ thể hiện sự coi thường người khác

Thủy Anh nhớ lại câu chuyện hai cặp mẹ con cùng gặp một người lao công. Bà mẹ đầu tiên nói: "Nếu học giỏi, khi lớn lên, con có thể giúp những người như vậy". Bà mẹ thứ hai có cách nói khác: "Con không học giỏi thì cũng làm cộng việc như thế thôi".

Gia đình ca sĩ Đăng Khôi - Thủy Anh.

Gia đình ca sĩ Đăng Khôi - Thủy Anh.

Câu chuyện trên không hiếm gặp. Thủy Anh từng chứng kiến nhiều phụ huynh tỏ thái độ như vậy trước những người lao động chân tay, không có điều kiện. Họ vẫn dán mắt vào màn hình, chỉ nhấc chân lên khi một nhân viên vệ sinh dọn dẹp trong quán ăn. Họ bịt mũi, nhăn mặt khi đi qua một người vô gia cư trong công viên.

Trẻ đã bỏ lỡ một bài học về sự cảm thông, chia sẻ sau mỗi lần nhìn cha mẹ có thái độ và hành động như vậy. Dần dần, chúng học hỏi rất nhanh cách hành xử của cha mẹ và lặp lại đúng như những gì đã chứng kiến.

Cha mẹ la mắng, bạo lực với con cái

Thủy Anh không ngạc nhiên khi có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra việc những người có hành vi bạo lực từng trải qua tuổi thơ bị quát mắng, bạo hành. Đây là điều nguy hiểm khi trẻ trưởng thành, nó tạo một vòng luẩn quẩn. Những đứa trẻ bạo lực lại trở thành cha mẹ, mắng nhiếc các con, thậm chí có hành động tàn độc với chính người sinh thành ra mình.

Có nhiều cách để dạy con, việc dùng đến bạo lực lâu dài, với tôi là một biểu hiện của sự thất bại trong việc định hướng, nuôi dạy con cái.

Hai bé Ken và Đăng Anh thường xuyên được mẹ Thủy Anh hướng dẫn làm công việc nhà.

“Nhà mình có tiền mà con”

Đây là vấn đề rất nhạy cảm nhưng cũng thực tế. Chúng ta phải dạy con biết giá trị của đồng tiền, không phải bằng những câu cửa miệng “có tiền là giải quyết được hết” hay “nhà mình có tiền mà con”.

Đôi khi, các bậc phụ huynh phải học cách nói không với những yêu cầu vật chất từ trẻ, hoặc đặt cho con một mục tiêu để đạt được nếu muốn có món đồ nào đó. Nếu bố mẹ có thể dùng vật chất giải quyết mọi vấn đề, trẻ nhỏ sẽ nghĩ rằng vật chất, tiền bạc còn quan trọng hơn mọi thứ trên đời.

Không gương mẫu với trẻ

Chúng ta không thể nói với con "tắt điện thoại đi, đến giờ đi ngủ rồi", nhưng cha mẹ vẫn bấm tin nhắn hay lướt mạng xã hội.

Trẻ sẽ không quan tâm việc sử dụng điện thoại là dành cho người lớn, để giải quyết công việc hay với mục đích chính đáng nào khác. Khi nhìn thấy cha mẹ làm, trẻ chỉ đơn giản hiểu rằng đó là hành động được chấp nhận.

Không biết yêu thương động vật và mọi điều xung quanh

Thủy Anh không bao giờ bắt Ken hay Đăng Anh phải chơi với động vật nếu các con không thích. Tuy nhiên, tôi luôn thể hiện cho các con hiểu yêu thương động vật là một điều cần thiết. Việc này giúp bé biết yêu cuộc sống xung quanh.

Nhiều phụ huynh cấm đoán con chơi với động vật hay nuôi thú cưng một cách vô lý, tiêm nhiễm cho trẻ những nỗi sợ hãi. Nếu bạn có vấn đề với động vật (dị ứng, nhà chật, không có ai chăm sóc…) hãy nói để con hiểu, thay vì cấm đoán và gieo rắc nỗi sợ lên đầu lũ trẻ.

Đùn đẩy trách nhiệm

- “Cái ghế này hư quá, làm con của mẹ ngã rồi”.

- “Mẹ đánh chừa cái bàn này rồi, đừng khóc”.

Nếu con chạy nhảy và ngã, đó là lỗi của bé. Nếu bài kiểm tra làm không tốt, đừng đổ lỗi cho việc bút hỏng, đi trễ (trừ khi con gặp vấn đề sức khỏe). Nếu bạn gặp một ngày không vui trong công việc, đó là vấn đề của bạn.

Một đứa trẻ có trách nhiệm sẽ học tập đức tính này từ chính cha mẹ của mình. Bạn phải dạy cho con biết được đâu là vấn đề của trẻ và phải tự mình giải quyết, không đổ lỗi cho người khác. Sống có trách nhiệm là một điều Thủy Anh luôn mong các con có được. Nó sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.

Chỉ làm gương cho con khi trẻ ở bên

Thủy Anh nhận ra việc làm gương cho con, dù bé không ở bên mới là điều quan trọng nhất trong việc làm cha mẹ. Chúng cũng khó nhất. Nếu chúng ta chỉ nhường ghế cho người già trên xe bus nếu đi cùng con, cười thân thiện với nhân viên nhà hàng khi có mặt bé ở đó... chắc chắn sẽ có thời điểm trẻ nhận ra điều đó.

Các con nhận ra mẹ luôn bảo giữ gìn môi trường, nhưng mở thùng rác ra thấy đầy túi nylon.

Các con thấy bố mẹ cãi nhau, dù luôn dặn dò không được dùng bạo lực, yêu thương mọi người.

Muốn dạy con bất cứ điều gì, bố mẹ hãy là một người như vậy, dù chúng có ở bên cạnh bạn hay không. Trẻ là một tấm gương phản chiếu và bạn sẽ không biết được, góc nào của tấm gương đang rọi lên sự trưởng thành của các con.

Hot mom Thủy Anh
Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/7-sai-lam-cua-cha-me-bien-con-tro-thanh-nguoi-vo-cam-post970823.html