7 nhóm nguy cơ lây nhiễm từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai

Chiều 29/3, tại hội nghị trực tuyến khẩn giữa Bộ Y tế với 300 điểm cầu với ngành y tế các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra các đại biểu họp bàn tìm biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 sau khi Bệnh viện Bạch Mai phát hiện tới hàng loạt ca mắc COVID-19.

Bệnh viện Bạch Mai đang kiểm soát nghiêm ngặt nguồn lây SARS-CoV-2

Bệnh viện Bạch Mai đang kiểm soát nghiêm ngặt nguồn lây SARS-CoV-2

Ðại diện Bệnh viện Bạch Mai kêu khó đủ đường

TS. Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tổng số hơn 7.000 mẫu xét nghiệm có 3/4 cho kết quả âm tính, chưa có nhân viên y tế nào trong số này mắc bệnh. Kết quả hơn 500 mẫu bệnh phẩm còn lại sẽ có trong hôm nay.

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, bệnh viện không chuyển bệnh nhân nào từ khoa có ca dương tính ra ngoài, trừ trường hợp ở Trung tâm Truyền nhiễm đã chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã huy động các y bác sĩ vừa điều trị vừa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, không để người nhà vào buồng bệnh chăm sóc trực tiếp, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và người nhà. “Bệnh viện đã phối hợp cùng với quân đội đã di chuyển 631 người nhà bệnh nhân đến khu cách ly tập trung tại Láng - Hòa Lạc. Số lượng bệnh nhân đang điều trị không nhiều hơn 700 nên chúng tôi vẫn có thể cố gắng vừa đảm bảo điều trị vừa chăm sóc được bệnh nhân thay người nhà”, ông Tuấn nói.

Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, hiện bệnh viện có 793 bệnh nhân đang điều trị, 353 người có thể ra viện, 137 bệnh nhân có khả năng chuyển tuyến, 198 bệnh nhân nặng không thể di chuyển ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai nếu không có phương tiện hỗ trợ. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những khó khăn của bệnh viện trong thời điểm này, trong đó có việc sau khi TP Hà Nội ra quyết định cách ly với tất cả những người liên quan Bệnh viện Bạch Mai từ 10/3 đến nay, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai ở địa bàn Hà Nội bị địa phương “hình như coi là bệnh nhân dương tính” nên bắt ở tại chỗ, không di chuyển, điều này gây ra khó khăn trong đi lại cho cán bộ nhân viên y tế. “Ca trực trước đã xong rồi, ca sau phải đến nhưng vẫn không thể ra khỏi hay đến bệnh viện” - ông Hùng nói.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nếu không được điều chỉnh, không quyết liệt “gỡ khó” ngay với nhân viên y tế bệnh viện về việc cách ly thì chỉ trong 3 ngày tới, khi phải tăng cường toàn bộ nhân viên y tế phục vụ điều trị, bệnh viện sẽ rất thiếu người. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng bày tỏ khó khăn về vấn đề cách ly. Ngay cả GS. Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Bệnh viện Bạch Mai cũng không thể ra khỏi nhà để đến họp. Lãnh đạo bệnh viện đề nghị Bộ Y tế có hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Đồng thời cần làm rõ vấn đề thời gian cách ly là 14 hay 28, cần xét nghiệm âm tính 2 hay 3 lần. Nếu không bệnh viện sẽ thiếu test kit xét nghiệm, vì số lượng quá đông mà cần kiểm tra nhiều lần.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay thực hiện chỉ đạo Bộ Y tế, UBND Hà Nội tổ chức cách ly, khoanh vùng Bệnh viện Bạch Mai. Khi triển khai, Sở Y tế cùng UBND quận Đống Đa và GS Ngô Quý Châu thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, ông Hạnh cho biết trường hợp Bệnh viện Bạch Mai có ý kiến về các khó khăn, cơ quan chức năng sẽ phối hợp giải quyết.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những khó khăn của bệnh viện trong thời điểm này, trong đó có việc sau khi TP Hà Nội ra quyết định cách ly với tất cả những người liên quan Bệnh viện Bạch Mai từ 10/3 đến nay, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai ở địa bàn Hà Nội bị địa phương “hình như coi là bệnh nhân dương tính” nên bắt ở tại chỗ, không di chuyển, điều này gây ra khó khăn trong đi lại cho cán bộ nhân viên y tế. “Ca trực trước đã xong rồi, ca sau phải đến nhưng vẫn không thể ra khỏi hay đến bệnh viện”.

Ông Hùng nói

Từ khóa là “Công ty Trường Sinh”

Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ ra 7 nhóm đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Đó là những bệnh nhân được ra viện, về nhà hoặc chuyển về các tuyến, số này hơn 5.000 người. Nhóm đối tượng có nguy cơ cực kỳ cao thứ hai là người nhà phục vụ bệnh nhân, thường xuyên đến nhà ăn bệnh viện, giao lưu với người phục vụ tại đây. Nhóm thứ 3, là cán bộ y tế của bệnh viện, người có nguy cơ cao hơn là những người đến căng-tin, người tiếp xúc với người bệnh.

Hiện nay 100% người tiếp xúc với ca bệnh đã được cách ly, xét nghiệm và kết quả đều âm tính. Nhóm thứ 4, là những người đã học, thực tập, làm việc, trao đổi về chuyên môn trong Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 trở lại đây. Tiếp đó là những người phục vụ trong bệnh viện, có giao lưu đi lại và người thăm bệnh nhân trong khoảng thời gian đó.

Một nhóm nữa rất quan trọng là các nhân viên của Công ty Trường Sinh, đây là ổ dịch. Họ không chỉ cung ứng dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai mà còn cho một số bệnh viện khác. Nhóm thứ 7, là mạng lưới phục vụ chăm sóc bệnh nhân thuê, rất lớn khoảng 800 người.

Bộ Y tế nhận định Công ty Trường Sinh là mối nguy cơ rất lớn, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp khác. “Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, các tỉnh lập danh sách những người ở nhóm thứ 6 và 7 để quản lý thật chặt. Vì qua đó, phát hiện được một người của Công ty Trường Sinh đi về Thái Nguyên và sau đó phát hiện dương tính.

Bộ Y tế yêu cầu rà soát lại tất cả đối tượng, yêu cầu người nào tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, với căng tin trong bệnh viện lập tức cách ly. “Coi căng tin là ổ truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, trong thời gian chờ kết quả tiếp tục theo dõi giám sát tại nhà”- lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các điểm cầu tham dự hội nghị quán triệt tinh thần này.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/7-nhom-nguy-co-lay-nhiem-tu-o-dich-benh-vien-bach-mai-1631968.tpo