7 nguy cơ đe dọa an toàn nguồn nước

Bảo vệ an toàn nguồn nước sinh hoạt là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh trong năm 2020. Theo đó, tỉnh đã sớm nhận diện các nguy cơ đe dọa chất lượng nguồn cấp nước sinh hoạt, từ đó triển khai giải pháp loại trừ nguy cơ, bảo đảm an toàn nguồn nước.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng túi vải cho người dân sống xung quanh hồ chứa nước tại lễ mít tinh ra quân tuyên truyền bảo vệ môi trường các hồ chứa nước diễn ra tại huyện Xuyên Mộc tháng 9/2019.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng túi vải cho người dân sống xung quanh hồ chứa nước tại lễ mít tinh ra quân tuyên truyền bảo vệ môi trường các hồ chứa nước diễn ra tại huyện Xuyên Mộc tháng 9/2019.

LOẠI BỎ DẦN CÁC NGUY CƠ

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện nay, nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 hồ chứa nước gồm: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha. Các hồ chứa này có dung tích 273,44 triệu m3. Riêng huyện Côn Đảo, việc cung cấp nước sinh hoạt do trạm cấp nước Côn Đảo khai thác nước ngầm với lưu lượng 3.400m3/ngày đêm. Hiện nay, huyện Côn Đảo đang tiếp tục triển khai dự án nâng cấp hệ thống cấp nước Cỏ Ống - Bến Đầm với lưu lượng 483m3/ngày đêm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân và du khách khi đến đảo.

Theo thống kê, năm 2020, nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh là 240 triệu m3. Với trữ lượng hiện tại của các hồ cấp nước sinh hoạt, tỉnh hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này. Bên cạnh đó, các nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn cũng đang quản lý và bảo vệ các hồ chứa nước rất tốt. BR-VT được Bộ Xây dựng đánh giá là một trong những tỉnh, thành có hệ thống cấp nước sạch tốt, an toàn hàng đầu trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thống kê tích cực, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết vẫn còn những nguy cơ đe dọa đến an toàn nguồn nước. Cụ thể, Sở TN-MT đã chỉ rõ 7 nguy cơ chính: tình trạng xả thải từ các hoạt động chăn nuôi; xả thải của các hoạt động sản xuất kinh doanh; việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học quá liều lượng; nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, dân cư tập trung; nguồn ô nhiễm hình thành từ tỉnh đầu nguồn; các hoạt động phát triển kinh tế xã hội làm thay đổi dòng chảy và tác động của các yếu tố tự nhiên như lũ lụt, hạn hán.

Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã có nhiều biện pháp cụ thể để loại trừ dần các nguy cơ nói trên. Cụ thể, năm 2017, tỉnh đã di dời Xưởng nhuộm của Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam ra khỏi thượng nguồn hồ chứa nước Đá Đen. Việc làm này được giới chuyên gia và nhân dân trong tỉnh ủng hộ cao vì một dự án có yếu tố nhuộm rất dễ xảy ra các nguy cơ gây ô nhiễm. Đặc biệt, cũng trong năm 2017, sau sự cố liên quan đến Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến suối Chà Răng (nguồn nước dẫn về hồ Đá Đen), lãnh đạo tỉnh BR-VT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để thống nhất được hướng giải quyết triệt để. Ngoài ra, Sở TN-MT đã phối hợp với huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc rà soát và di dời hơn 50 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra khỏi thượng nguồn các hồ chứa nước sinh hoạt.

Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27-CT/TU ngày 23/3/2018 về công tác quản lý, BVMT, trong đó xác định nhiệm vụ bảo vệ các hồ cấp nước sinh hoạt là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh. Từ đó đến nay tỉnh đã xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ 8 hồ cấp nước sinh hoạt; ban hành danh mục các ngành không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vùng thượng nguồn các hồ chứa nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc BVMT các hồ chứa nước…

ÁP DỤNG CÁC QUY TRÌNH GIÁM SÁT HIỆN ĐẠI

Hiện nay, tỉnh đã đầu tư 6 trạm quan trắc nước mặt tự động (2 trạm tại sông Thị Vải, 1 trạm tại sông Chà Và, 1 trạm tại hồ Sông Ray, 1 trạm tại hồ Đá Đen, 1 trạm tại hồ Sông Hỏa). Đồng thời, Sở TN-MT đang triển khai đầu tư 3 trạm quan trắc nước mặt tại hồ Châu Pha, An Hải, nước suối Chà Răng chảy về hồ Đá Đen.

Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh gồm: Công ty CP Cấp nước BR-VT, Công ty CP Cấp nước Châu Đức, Công ty TNHH Cấp nước Tóc Tiên, Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Trạm cấp nước Côn Đảo với tổng công suất thiết kế gần 285.000m3/ngày đêm.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2020, tỉnh xác định bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên sẽ triển khai ngay các giải pháp cụ thể như: Thực hiện dự án thu gom, xử lý nước ở khu vực thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) một cách an toàn, để giảm tải nước thải chảy về các hồ cấp nước; đầu tư thêm các trạm quan trắc nước mặt tự động. Đồng thời triển khai chương trình quan trắc môi trường định kỳ; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng hồ cấp nước sinh hoạt; bảo vệ nghiêm ngặt các đồi cát xung quanh hồ; tiếp tục phối hợp với tỉnh Đồng Nai rà soát, phục hồi rừng đầu nguồn, điều tra, đánh giá các nguồn thải…

Nhân viên Công ty CP Cấp nước BR-VT lấy mẫu nước tại hồ Đá Đen để xét nghiệm chất lượng nước.

Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu nước sạch ngày càng cao của người dân, các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư, áp dụng các công nghệ mới, hiện đại tại các nhà máy xử lý nước như: Công nghệ lắng Lamella, hệ thống bình lọc áp lực, khử trùng nước bằng Javen. Quy trình xử lý nước ở các nhà máy từ bể sơ lắng đến xử lý hóa chất, bể lắng, bể lọc đều được lắp đặt cảm biến điện tử đo các thông số kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nước đầu ra an toàn tuyệt đối.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202002/7-nguy-co-de-doa-an-toan-nguon-nuoc-892602/