7 món ăn mang lại may mắn dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc

Mỗi món ăn thường xuất hiện trong mâm cơm dịp năm mới của Trung Quốc đều có một ý nghĩa biểu trưng riêng. Trong dịp này, người Trung Quốc sẽ ăn những món ăn với ý nghĩa đem lại may mắn để cầu mong một năm mới thuận lợi.

Dưới đây là 7 món ăn truyền thống vào dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc, biểu tượng may mắn cho năm mới.

1. Cá

Trong tiếng Trung, "cá" đồng âm với "dư dả". Người Trung Quốc ăn món này với mong muốn dư dả trong năm mới.

Trong dịp năm mới người Trung Quốc sẽ ăn hai con cá, một vào đêm Giao thừa và một trong ngày đầu năm mới, với mong muốn dư dả năm này sang năm khác.

Nếu chỉ ăn một con cá, thì phần trên sẽ được ăn vào đêm Giao thừa và phần còn lại là vào ngày mồng Một.

Người Trung Quốc cũng rất chú ý đến quy cách ăn cá dịp Tết. Cá sẽ là món được dọn lên sau cùng và phải được để thừa trên đĩa nhằm thể hiện sự "dư dả".

Đĩa cá đặt trên mâm cũng có quy tắc nhất định. Phần đầu cá phải quay về phía người khách quý hoặc cao tuổi nhất trong nhà để bày tỏ sự kính trọng.

Mọi người phải đợi những người ngồi đối diện phần đầu cá ăn cá trước thì mới được ăn. Đĩa cá không được di chuyển trong bữa ăn. Hai người ngồi phía đầu và đuôi con cá sẽ uống cùng nhau, điều đó được coi là mang ý nghĩa may mắn.

Khi ăn cá, người ta sẽ nói những câu chúc may mắn như "Năm nào cũng có cá", ý chỉ năm nào cũng dư dả; hay "Cá vượt vũ môn" để chúc thi cử thành công.

2. Bánh jiao

Có lịch sử hơn 1800 năm, bánh jiao là món ăn truyền thống thường được dùng vào đêm Giao thừa ở Trung Quốc, đặc biệt là miền Bắc.

Bánh jiao có thể được nặn giống hình thỏi bạc. Theo truyền thuyết thì ăn càng nhiều bánh jiao trong năm mới bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền tài.

Khi làm bánh jiao, người Trung Quốc cũng chú ý số lượng nếp gấp sao cho đẹp. Nếu bánh quá dẹt sẽ bị coi là không may mắn.

Theo quan niệm Trung Quốc, người ta có thể bỏ vào nhân bánh jiao một sợi chỉ trắng, ai may mắn ăn được sẽ sống lâu. Đôi khi người ta bỏ đồng xu vào nhân bánh, người may mắn ăn chiếc bánh có đồng xu được cho là sẽ giàu có.

Bánh jiao trong năm mới được xếp thành hàng dọc thay vì xếp vòng tròn vì theo quan niệm thì vòng tròn là sự luẩn quẩn, không đi tới đâu.

Khi ăn bánh jiao người ta sẽ nói "Kim bảo chiêu tài", tức là mang lại của cải và sự giàu có.

3. Spring Rolls — Wealth

Nem rán cũng được quan niệm là biểu tượng cho sự giàu sang. Nem rán có màu vàng tương tự với thỏi vàng.

Khi ăn nem rán người Trung Quốc có thể chúc câu "Vạn lượng hoàng kim" với ý chúc giàu sang.

4. Bánh niên cao (Bánh tổ)

Tên gọi của bánh niên cao (loại bánh làm từ gạo nếp và đường, hạt dẻ, chà là, lá sen) nghe gần giống với "năm sau cao hơn năm trước".

Khi ăn bánh niên cao người Trung Quốc chúc câu "Niên Niên cao" tức là "năm này càng cao hơn năm trước", có thể dùng để chúc trẻ nhỏ cao lớn hơn, công việc thăng tiến hơn, học tập tốt hơn, kinh doanh phát đạt hơn,...

5. Bánh trôi

Bánh trôi (Hán Việt: thang viên) là món bánh đặc trưng dịp Tết Trung thu của Trung Quốc, nhưng ở miền Nam Trung Quốc thì người ta cũng ăn bánh trôi dịp năm mới. Tên gọi trong tiếng Trung và hình dạng chiếc bánh mang ý nghĩa biểu trưng sự đoàn viên, sum vầy.

Khi ăn món này người Trung Quốc sẽ nói "Đoàn đoàn viên viên" tức là mừng cả gia đình được đoàn viên, sum họp.

6. Mỳ trường thọ

Nghe tên đã có thể đoán được món ăn này là để cầu mong sự trường thọ, sống lâu và hạnh phúc của người Trung Quốc. Sợi mỳ trường thọ dài và không bị cắt, có thể xào và bày ra đĩa hoặc nấu và bày trong bát.

7. Những loại trái cây nhiều may mắn

Cam, quýt hay bưởi thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc vì hình dạng tròn và màu sắc vàng, biểu tượng sự đầy đủ, giàu có.

Theo China Highlights

Trang Đặng

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/7-mon-an-mang-lai-may-man-dip-tet-nguyen-dan-cua-trung-quoc-d4656.html