7 lý do nên sa thải một nhân viên

Doanh nghiệp muốn công việc đạt hiệu quả nhất thiết phải hội tụ lực lượng nhân sự ưu tú, làm việc có trách nhiệm cao cùng với thái độ, phẩm chất tốt, không nên giữ lại người 'truyền năng lượng xấu'. Theo các chuyên gia Nhân sự thì lý do để quyết định sa thải một nhân viên xoay quanh hai khía cạnh chính đó là năng lực và thái độ. Chúng ta cùng tham khảo 7 lý do phổ biến nhất sau đây nhé.

Thiếu năng lực thật sự

Đây là lý do đầu tiên và chính đáng nhất. Nhiều người khi được nhận vào làm một thời gian khá dài nhưng không thể đảm nhận được công việc. Năng suất và hiệu quả mang lại thấp, không đáp ứng các điều kiện cơ bản để làm tốt công việc đó. Chẳng hạn, về kiến thức chuyên môn, tay nghề, kinh nghiệm, các kỹ năng cần thiết, sức khỏe, thời gian dành cho công việc...

Tuy nhiên, với cương vị là người quản lý, bạn phải có quy trình đào tạo, hướng dẫn lại cho nhân viên của mình ngay khi nhận việc và cả quá trình sau đó. Không thể cho một người nghỉ việc khi họ chưa học được nghề trong môi trường thực tiễn. Sự chỉ dẫn, khuyến khích và động viên của công ty sẽ là động lực giúp nhân viên cố gắng học hỏi và đảm nhận tốt công việc của mình. Lãnh đạo chỉ sa thải nhân viên khi công ty đã đào tạo, hướng dẫn và chính họ cũng có nhiều thời gian để luyện tập nhưng lại không thể tiếp thu và cải thiện.

Thiếu trung thực

Trung thực là điều mà nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ở các ứng viên tìm việc làm ở Long An hay bất cứ nơi nào khác. Thiếu trung thực, gian lận… là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất đi sự tin tưởng trong bất cứ việc gì. “Sở hữu” nhân viên có tính gian dối gây tình trạng đề phòng, nghi ngờ lẫn nhau trong chính đội nhóm. Làm việc với người gian dối sẽ gây cho các đồng nghiệp xung quanh khó chịu, làm xấu đi văn hóa công ty và chưa kể trong nhiều trường hợp gây tổn thất uy tín, hình ảnh, thương hiệu cũng như thất thoát tài sản. Không thể tin tưởng được một người thiếu trung thực cả trong lời nói và hành động, điều đó đồng nghĩa sẽ không ai có thể hợp tác với họ được nữa.

Vô kỷ luật

Khi một nhân viên không quan tâm, hay cố tình không chấp hành kỷ luật của công ty, không để ý đến những quyết định của cấp trên thì cũng đến lúc nên sa thải. Bởi lẽ giữ lại một người có tính vô kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến nhân viên khác, tạo tiền lệ xấu. Ngoài ra công việc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì sẽ xảy ra các sai sót, sự cố vì không thể chỉn chu, tuân thủ đúng theo quy tắc và các quy định bảo đảm.

Dễ gây rối

Giữ lại một nhân viên có tính hay gây rối, dễ kích động làm cho tập thể mất đoàn kết, lộn xộn và dẫn đến xung đột dù với vấn đề nhỏ. Khi nhận thấy bất kì một nhân viên nào hay gây hiềm khích, quá khích, luôn muốn thể hiện bản thân bằng từ ngữ khó nghe, thậm chí sử dụng vũ lực thì các nhà quản lý nên suy nghĩ và tìm ra cách thức thật khéo léo để cho nghỉ việc trước khi xảy ra sự việc xấu. Người thích gây rối còn có xu hướng kích động các đồng nghiệp khác hành động tiêu cực phá hoại công ty về cả tinh thần làm việc lần uy tín, cơ sở vật chất.

Hay phàn nàn, chỉ trích

Thiếu tính xây dựng, hợp tác, thường xuyên ca thán phàn nàn nhưng lại không đóng góp được gì cho công việc chung, thậm chí không có những ý kiến có giá trị cải thiện cho tình hình tốt hơn. Thái độ này xuất phát từ chính tính cách của người đó, tâm lý đổ lỗi, chỉ trích sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của đồng đội, đối tác và khách hàng. Kiểu nhân viên này cũng sẽ dễ nản chí khi gặp một chút khó khăn, kém sáng tạo và truyền đi năng lượng xấu cho các đồng nghiệp khác.

Lười biếng, ỷ lại

Doanh nghiệp tuyển nhân viên vào mục đích là để làm việc và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau phát triển. Lý do thường thấy để công ty cho một người nghỉ việc đó là tính lười biếng, hay “nhường” việc cho người khác. Người lười biếng thường phải cần sự đôn đốc, theo dõi nhắc nhở, làm việc không bao giờ đạt năng suất cao và chất lượng thực sự. Ở họ thiếu sự nhiệt huyết, cần mẫn và trách nhiệm. Họ thường biện các lý do để trốn việc, kém sáng tạo và tất nhiên không có cơ hội thăng tiến.

Không còn tìm được tiếng nói chung

Khi nhân viên và công ty không còn tìm được tiếng nói chung, bất đồng chính kiến, tư tưởng và mục tiêu thì tốt nhất nên “chia tay”. Nếu giữ lại, nhân viên thường sẽ có tâm lý khúc mắc, không thỏa mãn và nảy sinh tư tưởng chống đối, điều này dẫn đến hệ lũy là mâu thuẫn trực tiếp giữa nhân viên và quản lý của công ty, từ đó công việc sẽ đi vào ngõ cụt.

Để công ty ngày càng phát triển, thu hút lực lượng nhân sự ưu tú, lãnh đạo công ty cần có trách nhiệm với chính mục tiêu của nhân viên. Bên cạnh việc đề ra các quy định, kỉ luật rõ ràng để tập thể tuân theo thì cần xây dựng lộ trình đào tạo nhân viên, giúp đỡ, khích lệ để họ có thể đảm nhận tốt công việc. Nếu phía công ty đã làm tốt trách nhiệm của mình mà nhân viên vẫn không thể đáp ứng được cho công việc và có thái độ, hành vi xấu, không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp thì sa thải là điều cần thiết phải làm. Hãy để việc sa thải diễn ra văn minh, đúng người, đúng vấn đề, thuyết phục để môi trường công sở được trong sạch, đẩy mạnh sự hợp tác và phát triển cho mỗi nhân viên.

Đặng Hảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/7-ly-do-nen-sa-thai-mot-nhan-vien/