7 lời khuyên cho người bắt đầu tập gym

Dù còn nhiều câu hỏi, những lời khuyên này sẽ giúp chúng ta tìm được hướng đi phù hợp, từ đó dễ dàng thay đổi vóc dáng.

Dù đã xuất hiện và lan rộng ở Việt Nam trong nhiều năm cùng những lợi ích lớn, việc tập gym chưa thực sự gần gũi với một số người.

Hầu hết người tập chỉ tìm tới phương pháp này khi cơ thể đã quá tệ hoặc được giới thiệu. Do đó, trong lần đầu tới phòng tập, sự bỡ ngỡ là khó tránh khỏi.

Đừng quá vội vàng

Sau nhiều năm ăn uống thiếu khoa học và lười vận động, chúng ta đặt cơ thể vào một trạng thái đáng báo động. Chỉ khi một sự kiện hoặc vấn đề bất ngờ xảy ra như kế hoạch đi biển, mắc các bệnh lý liên quan thừa cân, tỷ lệ mỡ tăng cao..., nhiều người mới tìm đến tập gym với suy nghĩ sẽ nhanh chóng đạt mục tiêu. Đây rõ ràng là một nghịch lý khó chấp nhận.

Do đó, kỳ vọng này nhanh chóng bị dập tắt, thậm chí phản tác dụng khi sau 3 hay 6 tháng, cơ thể 6 múi, cân đối vẫn chưa xuất hiện dẫn đến tình trạng bỏ cuộc giữa chừng.

Huấn luyện viên An Nguyễn (Hà Nội) cho biết: "Thực tế, để xây dựng một cơ thể đẹp cùng sức khỏe tốt, chúng ta có thể mất vài, thậm chí hàng chục năm kiên trì rèn luyện. Do đó, ta nên loại bỏ tư duy 'mì ăn liền' và xác định tập luyện là con đường dài".

 Việc tập luyện và cải thiện vóc dáng là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm. Ảnh: Thefatkidinside.

Việc tập luyện và cải thiện vóc dáng là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm. Ảnh: Thefatkidinside.

Ngoài ra, tác dụng phụ của tâm lý vội vàng là quyết định tập quá nặng hoặc lâu hơn mức cho phép. Bên cạnh không mang lại hiệu quả, việc làm này còn gây nguy cơ chấn thương cao, thậm chí ảnh hưởng tâm lý.

"Sau 8 tiếng làm việc tại công ty, chúng ta lại tiếp tục vắt kiệt sức ở phòng tập, qua đó biến nó trở thành cực hình. Đây cũng là lý do khiến nhiều người có cảm giác sợ khi nhắc đến tập gym", An Nguyễn chia sẻ.

Lên kế hoạch cùng mục tiêu rõ ràng

Một trong những sai lầm của người mới tập gym là không có hoặc đặt mục tiêu quá xa vời, đồng thời không xây dựng kế hoạch cụ thể cho chính mình. Việc đến phòng tập mà không biết mình sẽ làm gì sẽ khiến mọi quyết tâm của chúng ta nhanh chóng sụp đổ.

Huấn luyện viên An Nguyễn khuyên: "Chúng ta có thể đặt mục tiêu rất nhỏ trước như hút ít hơn 1 điếu thuốc/ngày, ngủ trước 2h, đi thêm 1.000 bước/ngày... Việc đặt mục tiêu nhỏ, lần lượt đạt được nó cùng kế hoạch cụ thể sẽ tạo thêm cho chúng ta động lực và rõ ràng hơn về hành trình của bản thân".

Bổ sung kiến thức

Đến phòng tập mà không có sự tìm hiểu trước khiến những nỗ lực của chúng ta kém, thậm chí không có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc không nắm vững kỹ thuật và chỉ chú ý vào mức tạ mang đến nguy cơ chấn thương rất lớn.

Theo An Nguyễn, mỗi bài, người mới tập nên thực hiện khoảng 10-15 lần với mức tạ nhẹ để học cách cảm nhận, kiểm soát cơ bắp. Sau khi hoàn chỉnh kỹ thuật, chúng ta có thể tăng mức tạ dần ở mỗi tuần.

Đến phòng tập mà không có kế hoạch và kiến thức khiến chúng ta dễ bỏ cuộc và gặp nhiều nguy cơ chấn thương. Ảnh: SCS.

Ngoài ra, việc trau dồi kiến thức liên quan tập luyện và dinh dưỡng cũng mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt là sự thích thú, tính an toàn trong hành trình thay đổi cơ thể.

Đi tập với một người bạn

Cảm giác lạc lõng và bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi với người lần đầu tiên đến không gian đặc biệt như phòng tập bởi những tiếng hét, âm thanh của sắt thép, mùi mồ hôi... Tuy nhiên, cảm giác này có thể được giảm nhẹ phần nào với một người bạn tập. Lúc này, buổi tập có thể trở thành nơi để chúng ta xả stress với tâm trạng vui vẻ và hứng khởi.

Uống nhiều nước

Theo huấn luyện viên An Nguyễn, 70% cơ thể là nước, 80% cơ bắp cũng là nước. Do đó, việc uống nhiều nước trước và trong khi tập sẽ giúp chúng ta tránh tình trạng mệt mỏi, đồng thời mang tới cảm giác sung sức.

Đừng so sánh

Một tâm lý chung của người mới tập khi nhìn những người đã có kinh nghiệm ở phòng gym là tự ti, thậm chí nản lòng. Tuy nhiên, những người này cũng từng có khởi đầu và nhận lại kết quả sau nhiều năm kiên trì. Ngoài ra, mỗi người có xuất phát điểm và điều kiện khác nhau.

"Thay vì so sánh với người khác, chúng ta nên so sánh với chính mình của ngày hôm qua để tiến bộ và nỗ lực", An Nguyễn nhấn mạnh.

Không ngại hỏi

Trong quá trình tập, chúng ta hoàn toàn có quyền nhờ tới sự trợ giúp của huấn luyện viên hoặc những người tập cùng. Sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ trong bài tập có thể đảm bảo an toàn cũng như giúp chúng ta tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên, ta vẫn cần lưu ý lựa chọn những người đáng tin cậy, đồng thời cân nhắc kỹ mọi thông tin trước khi tiếp nhận.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-loi-khuyen-cho-nguoi-bat-dau-tap-gym-post1173472.html