7 loại rau bà bầu không nên ăn để tránh sảy thai

Tuy các loại rau củ quả đều rất tốt cho bà bầu nhưng trong đó vẫn có một số loại rau có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Rau củ quả là những thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của mỗi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Cụ thể, trong loại thực phẩm này đều cung cấp rất nhiều dưỡng chất giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời kích thích vị giác và hạn chế tình trạng ốm nghén. Ngoài ra, việc ăn nhiều rau củ quả còn tốt cho tim mạch của mẹ bầu và sự phát triển hệ xương của thai nhi.

Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng tốt và bà bầu có thể ăn được, thậm chí còn khiến mẹ bầu mắc một số bệnh lý thai kỳ, khó sinh, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số loại rau bà bầu không nên ăn để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Không phải loại rau nào cũng tốt và bà bầu cũng có thể ăn được, thậm chí còn khiến mẹ bầu mắc một số bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet

Rau sam

Rau sam là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như: Vitamin, khoáng chất, axit béo omega 3,... Đồng thời, đây còn là loại rau dễ ăn và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, rau sam lại không hề tốt với bà bầu bởi nó có tính hàn khá cao giúp giải độc, trừ giun nên dễ gây kích thích mạnh đến tử cung. Ngoài ra, ăn rau sam còn làm tăng tần suất co bóp dẫn đến nguy cơ sảy thai cao.

Rau ngót

Tuy là loại rau quen thuộc và nhiều dưỡng chất nhưng lại chứa hoạt chất papaverin - chất có thể gây ra hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, dẫn đến sảy thai. Lưu ý, những bà bầu có tiền sử sảy thai hoặc sinh non thì nên hạn chế ăn rau ngót.

Rau răm

Rau răm là loại thực phẩm có tác dụng làm ấm bụng, tiêu thực và tán hàn. Tuy nhiên, việc ăn rau răm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu. Ngoài ra, rau răm còn chứa chất gây tình trạng co bóp tử cung dễ dẫn đến sảy thai. Chính vì thế, mẹ bầu nên loại bỏ rau răm ra khỏi thực đơn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.

Mướp đắng (Khổ qua)

Mướp đắng có vị đắng, thanh mát, giàu vitamin B, sắt, kẽm, kali,... giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, vị đắng của loại thực phẩm này có thể khiến dạ dày và dạ con bị co bóp, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non,...

Mướp đắng có thể khiến dạ dày và dạ con bị co bóp, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non,... Ảnh minh họa: Internet

Ngải cứu

Trong Đông y, ngải cứu có tác dụng giảm đau cơ bắp, giúp lưu thông máu, giảm đau bụng và thường sử dụng để an thai cho mẹ bầu bị sảy thai liên tiếp hoặc động thai. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu chỉ ra phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung dẫn đến sảy thai, sinh non.

Cải bó xôi

Cải bó xôi có chứa axit oxalic làm hạn chế khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể; từ đó làm tình trạng thiếu máu trong thai kỳ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, bà bầu vẫn có thể ăn một lượng nhỏ cải bó xôi kèm theo những món ăn hỗ trợ chất sắt như cá, thịt cùng các loại vitamin C tốt cho sức khỏe.

Đu đủ xanh

Khi mang thai, đu đủ xanh là loại thực phẩm mẹ bầu tuyệt đối không được ăn bởi nó chứa nhiều chất nguy hiểm cho thai nhi như papain, prostaglandin và oxytocin. Cụ thể, papain sẽ khiến tế bào phôi thai bị phá hủy, còn prostaglandin và oxytocin khiến tử cung co bóp sớm đẩy thai nhi ra ngoài, gây sinh non.

Bảo Bình (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/7-loai-rau-ba-bau-khong-nen-an-de-tranh-say-thai-c21a299912.html