Phát triển Khu kinh tế Vân Phong với cơ chế đặc thù để thu hút dòng vốn

Tỉnh Khánh Hòa đang điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư lớn vào Khu Kinh tế Vân Phong.

5 năm qua, Khu kinh tế Vân Phong thu hút hơn 4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, đã giải ngân hơn 1,4 tỷ USD. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng xem ra, khu kinh tế này vẫn chưa có gì ấn tượng nếu không muốn nói là trầm lắng.

Hiện tỉnh Khánh Hòa đang điều chỉnh quy hoạch chung của khu kinh tế này. Theo đó, định hướng phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại; phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển...

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong quy hoạch cũ, Bắc Vân Phong có tổng diện tích 150.000 ha, tỉnh đang xem xét bổ sung thêm xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh vào khu kinh tế này để phát triển nông nghiệp sạch. Đồng thời, lấn biển khoảng 1.500 ha để phát triển đô thị. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu, đề xuất khoảng 22 cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Vân Phong phát triển, tạo động lực mới cho Khánh Hòa và khu vực bứt phá mạnh mẽ.

Ông Trần Tuấn Anh (áo trắng) Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra tại vịnh Vân Phong.

Ông Trần Tuấn Anh (áo trắng) Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra tại vịnh Vân Phong.

“Lấn biển khoảng 1.500 ha để trở thành một đô thị song song với đô thị Tu Bông. Hiện nay, đơn vị tư vấn cũng rất muốn có một đô thị mới, nằm ngay trên cảng biển. Diện tích không thay đổi nhưng mặt đất tăng thêm khoảng 5.000 ha và mặt nước biển thì giảm” - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Vân Phong có lợi thế vịnh nước sâu, độ sâu luồng tàu đến 20m, gần đường hàng hải quốc tế nên thuận lợi cho phát triển cảng trung chuyển. Đây cũng là lợi thế lớn nhất của khu kinh tế này so với các khu kinh tế ven biển khác trong cả nước.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sắp đến sẽ có 3 dự án cao tốc để kết nối Vân Phong bao gồm: Tuyến Tuy Hòa - Vân Phong, tuyến Vân Phong - Nha Trang và tuyến Khánh Hòa - Đắk Lắk. Vân Phong đang có nhiều lợi thế về diện tích, kết nối để trở thành cảng trung chuyển số 1 Việt Nam, có thể cạnh tranh với các cảng trung chuyển lớn trong khu vực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, khi điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nên phối hợp với các địa phương và tích hợp các quy hoạch của ngành Giao thông Vận tải.

“Vừa quy hoạch cảng nhưng chúng tôi vừa giữ quỹ đất cho cảng, để làm hàng hóa, để làm logistic. Tỉnh Khánh Hòa cùng với Bộ Giao thông Vận tải họp lại làm quy hoạch của cảng Vân Phong. Quy hoạch của Khu kinh tế Vân Phong kết hợp với quy hoạch cảng thành một quy hoạch cho tốt, nếu không hai quy hoạch này sẽ chồng chéo nhau. Chúng tôi không muốn quy hoạch cảng Vân Phong này trở thành một cảng nhỏ của Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói.

Khu vực Bắc Vân Phong liên kết với Nam Phú Yên để phát triển.

Trong bối cảnh các mô hình phát triển về khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn chưa có nhiều đổi mới thì Vân Phong cần thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù để tạo sự đột phá. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phía Bắc Vân Phong cần chú trọng vào thương mại tự do quốc tế gắn với cảng nước sâu, gắn với trung tâm mua sắm miễn thuế, tài chính, nghỉ dưỡng cao cấp; phía Nam đẩy mạnh công nghiệp năng lượng sạch... Việc quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong cần chú ý phát triển liên kết vùng, tạo bệ đỡ cho xuất khẩu hàng hóa của khu vực Tây Nguyên.

“Để phát triển thành trung tâm logistic, trung tâm cảng biển- kinh tế thương mại tự do, chúng ta phải có một số cơ chế khác một chút. Ví dụ như về lưu chuyển hàng hóa, hải quan, cơ quan quản lý cảng Vân Phong cũng phải là đầu mối để giải quyết được tất cả vấn đề, có chính sách về miễn thuế, khám chữa bệnh thì có chính sách miễn visa. Để giải quyết vấn đề này phải ở tầm Nghị quyết thí điểm của Quốc hội mới vượt qua được các luật hiện nay” - ông Trần Duy Đông cho biết.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, những năm qua việc chậm triển khai các dự án tại Vân Phong đã hạn chế sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh này đã xác định phát triển mạnh Khu kinh tế Vân Phong theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; là nơi phát triển mạnh về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Nam Vân Phong với lợi thế cảng nước sâu thuận lợi thành trung tâm năng lượng.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phải xác định Vân Phong là cửa ngõ giao lưu quốc tế, cần xây dựng trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ... cùng phát triển.

“Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong để hướng tới xây dựng các trung tâm kinh tế, phân khu đầu tư theo không gian rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, ở Khu kinh tế Vân Phong các không gian công nghiệp, không gian thương mại, không gian du lịch cũng như các hoạt động về đô thị, phát triển đô thị. Cần được định hướng, xác định rõ, để đảm bảo việc khai thác tối đa lợi thế, điều kiện của hạ tầng giao thông, vị trí, địa điểm, phù hợp với mục tiêu phát triển của chúng ta” - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo./.

Thái Bình/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-khu-kinh-te-van-phong-voi-co-che-dac-thu-de-thu-hut-dong-von-867273.vov