7 dự án của học sinh Việt Nam tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2021

Vì lý do dịch bệnh COVID-19, Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Mỹ. 7 dự án của học sinh Việt Nam tham gia Hội thi này.

Ngày 3/5, Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc. Tham dự Lễ khai mạc có lãnh đạo Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT, trường THPT có học sinh dự thi và thí sinh có dự án dự thi.

Năm nay, đoàn Việt Nam đăng kí tham gia ISEF với 7 dự án thuộc 7 lĩnh vực dự thi trên tổng số 21 lĩnh vực của ISEF 2021.

Đây là những dự án đoạt giải Nhất của Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 diễn ra tại Thừa Thiên Huế từ ngày 25-27/3/2021, đã được đánh giá qua vòng thi lựa chọn đội tuyển thi ISEF 2021.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tặng quà các học sinh Việt Nam dự thi ISEF năm 2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tặng quà các học sinh Việt Nam dự thi ISEF năm 2021.

Trước đó, cả 7 dự án của Việt Nam vượt qua vòng thẩm định hồ sơ của Hội đồng thẩm định do ISEF 2021 và đủ điều kiện tham gia ISEF 2021. Các dự án hiện có gian trưng bày ảo theo quy định của Ban tổ chức ISEF 2021 trên hệ thống https://projectboard.world/.

Tham gia ISEF 2021 có khoảng 1.500 dự án, 2.000 thí sinh đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với tổng giá trị giải thưởng dành cho ISEF 2021 là hơn 5 triệu USD được cấp dưới dạng học bổng, tài trợ thực tập và phần thưởng.

Ban Giám khảo của ISEF 2021 bao gồm hơn 1.000 giáo sư, nhà khoa học của trường đại học; kỹ sư và nhà khoa học công nghệ, đại diện của các trung tâm, cơ quan nghiên cứu tư nhân và liên bang; nhà nghiên cứu y tế, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và học viên cao học đến từ các quốc gia trên toàn thế giới, bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của ISEF 2021.

Ban Giám khảo chịu trách nhiệm chấm điểm các dự án theo từng lĩnh vực phù hợp với chuyên môn và sẽ lựa chọn các giải thưởng chính của ISEF 2021.

Ngoài ra, còn có các tổ chức khoa học, doanh nghiệp sẽ cử các giám khảo riêng để lựa chọn các giải thưởng đặc biệt do tổ chức, doanh nghiệp trao.

Phát biểu khai mạc Hội thi, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng 14 học sinh xuất sắc, đại diện cả nước tham dự ISEF 2021. Thứ trưởng cho biết, từ năm 2006, Bộ GD&ĐT, Intel và Vifotec đã có bước chuẩn bị đầu tiên để nghiên cứu, triển khai Hội thi Intel ISEF tại Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, triển khai thí điểm, tháng 5/2009 tỉnh Lâm Đồng đại diện cho Việt Nam cử đoàn 3 học sinh tham dự Intel ISEF tại Hoa Kỳ.

Năm 2012, Bộ GD&ĐT lần đầu đứng ra cùng một số sở GD&ĐT chọn cử dự án nghiên cứu khoa học tham gia Intel ISEF. Và dự án của 3 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí.

Liên tục từ đó đến nay, hằng năm Việt Nam đều cử học sinh tham dự Intel ISEF và năm nào cũng là một trong số các quốc gia có học sinh đoạt giải. Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nhận được sự tham gia tích cực của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Khẳng định ý nghĩa của Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và Hội thi ISEF trong đổi mới giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng đây là một sân chơi cạnh tranh khốc liệt. Chỉ 25% dự án tham gia ISEF có giải; với tỷ lệ này, khoảng 1.500 dự án dự thi năm nay sẽ có 375 dự án giành giải. Thứ trưởng tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, đầy trách nhiệm của những người liên quan trong tổ chức Hội thi; quyết tâm cao của các Sở GD&ĐT, nhà trường; tạo điều kiện, đồng hành của cha mẹ học sinh; đặc biệt là nỗ lực của thí sinh trong thời gian qua, các dự án Việt Nam tham gia ISEF sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (ISEF) được phát triển từ Hội thi khoa học quốc gia của Hoa Kỳ, do Hiệp hội khoa học và cộng đồng sáng lập, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1950. Năm 1958, Hội thi này lần đầu tiên trở thành Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức. Từ 1997, tập đoàn Intel là nhà tài trợ chính và từ đó Hội thi mang tên Intel ISEF. Khi Intel không còn đồng hành, Hội thi mang tên ISEF.

7 dự án của học sinh Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2021 gồm:

- Dự án “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh trung học phổ thông trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học” của nhóm học sinh Hoàng Việt Phúc và Vũ Phương Mai (Trường THPT Chuyên Lào Cai), tỉnh Lào Cai.

- Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” của nhóm học sinh Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An (Trường THPT Hàn Thuyên), tỉnh Bắc Ninh.

- Dự án “Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu (Meretrix meretrix)” của nhóm học sinh Lê Ngọc Minh Thư (Trường THPT Việt Đức) và Ngô Anh Minh (Trường THPT Chu Văn An), TP Hà Nội.

- Dự án “Cải tiến peptit polybia-mp1 để ứng dụng trong điều trị ung thư” của nhóm học sinh Mai Thùy Anh (Trường THPT Chuyên Lam Sơn) và Đỗ Đức Tâm (Trường THPT Hàm Rồng), tỉnh Thanh Hóa.

- Dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập Hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của nhóm học sinh Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu (Trường THCS Nguyễn Tri Phương), tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Dự án “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ” của nhóm học sinh Mai Đình Khôi và Huỳnh Minh Mẫn (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong), TP Hồ Chí Minh.

- Dự án “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ” của nhóm học sinh Nguyễn Nguyệt Minh và Vũ Đức Minh (Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Mỹ Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/7-du-an-cua-hoc-sinh-viet-nam-tham-gia-hoi-thi-khoa-hoc-ky-thuat-quoc-te-isef-2021-579665.html