7 di sản của Tổng thống Theodore Roosevelt không phải ai cũng biết

Từ công viên quốc gia tới thịt sạch và bóng bầu dục, vị Tổng thống thứ 26 đã để lại những dấu ấn riêng với nước Mỹ mà không phải ai cũng biết đến.

Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ, là một nhân tố quan trọng trong nền chính trị Mỹ. Ông trở thành Tổng thống năm 1901 sau vụ ám sát William McKinley và sau đó, một Roosevelt độc lập đã nhanh chóng xây dựng được vị thế Tổng thống với hình ảnh của riêng mình.

Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ. Ảnh: Getty

Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ. Ảnh: Getty

Hơn 1 thế kỷ sau, nền văn hóa và chính trị của nước Mỹ vẫn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ những di sản của ông mà không phải ai cũng biết đến điều này.

Ông là Tổng thống cao bồi đầu tiên của Mỹ

Sinh ra và lớn lên ở thành phố New York như một thiếu niên ốm yếu và hen suyễn, Roosevelt trở nên bị quyến rũ bởi những câu truyện về những cuộc phiêu lưu vùng biên giới. Ở độ tuổi 20, ông theo đuổi một chuyến đi săn ở Vùng lãnh thổ Dakota và kết thúc bằng việc mua lại vùng đất cùng một nông trại mà sau nay sẽ trở thành Bắc Dakota. Xuyên suốt hành trình săn bắt khám phá và sự quả cảm ở trận chiến Đồi San Juan, Roosevelt đã khác ghi hình ảnh của mình như một người cực kỳ thích các hoạt động bên ngoài và một binh sỹ cao bồi.

Nhiều Tổng thống khác của Mỹ cũng rất thích phong cách nam tính xù xì đậm chất Mỹ của Roosevelt. Tổng thống Lyndon Johnson rất thích được chụp ảnh với chiếc mũ Stetson màu trắng đậm chất cao bồi. Ronald Reagan thì lại dành mỗi buổi sáng để cưỡi ngựa ở Rancho El Cielo – nơi mà ông gọi là “Nhà Trắng miền Tây” ở California. Còn George W. Bush từng dành tới 490 ngày ở trang trại gia súc ở Crawford, Texas, nơi ông được chụp ảnh bên những đàn gia súc trong chiếc mũ cao bồi.

Tổng thống Mỹ đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình

Mặc dù Roosevelt nổi tiếng “hung hăng” trong chính sách ngoại giao (ông nổi tiếng với câu nói “Nói mềm mỏng và mang theo cây gây lớn”), ông cũng là một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm. Khi Nga chiến tranh với Nhật Bản năm 1904, Roosevelt đã đề nghị làm người phân xử. Sau sự phản đối ban đầu, hai bên đã đi đến bàn đàm phán ở New Hampshire năm 1905, nơi Roosevelt đã bảo trợ một thỏa thuận hòa bình giúp ông được nhận giải Nobel Hòa bình cùng năm đó.

Khi Đức và Pháp suýt đi đến chiến tranh về việc phân chia chính trị của Marốc, Roosevelt lại một lần nữa đứng ra làm trung gian và bảo trợ một thỏa thuận cứu vãn thể diện cho các nước liên quan. Một số nhà sử học tin rằng thỏa thuận năm 1906 đã trì hoãn sự bùng nổ của Thế Chiến 1 thêm 1 thập kỷ nữa.

Thông qua luật về thịt sạch

Sau khi cuốn sách bán chạy nhất của Upton Sinclair, “The Jungle” – cuốn sách tiểu thuyết hóa sự kinh hoàng của ngành công nghiệp giết mổ, trong đó có cả hình ảnh những công nhân di cư ngã nhào vào bể mỡ rán đang sôi, Roosevelt đã kêu gọi một báo cáo về tình trạng an toàn thực thẩm ở Mỹ.

Khi báo cáo thu thu về các điều kiện kinh khủng ở các nhà máy giết mổ - trong đó có cả các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh, nơi thịt sắp thối rữa được dán nhãn là tươi ngon – Roosevelt đã thúc ép Quốc hội thông qua Đạo luật thuốc và thực phẩm sạch cũng như Đạo luật kiểm duyệt thịt lợn năm 1906. Cả 2 đều là cở để thiết lập Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) năm 1930.

Ông là nguồn cảm hứng của Gấu Teddy

Gấu Teddy được lấy cảm hứng từ một câu chuyện về Tổng thống Theodore Roosevelt. Ảnh: Getty

Năm 1902,Roosevelt được mời tham gia chuyến đi săn gấu tới Mississippi. Trong chuyến đi này có rất nhiều xạ thủ mê săn bắn và tất cả mọi người đều quyết tâm mang về chiến lợi phẩm. Một trong những tùy tùng của Tổng thống Roosevelt đã bẫy được một chú gấu con, loại gấu đen Bắc Mỹ, dồn nó đến chân một cây liễu. Người tùy tùng này đã mời Tổng thống đến và đề nghị ông nên bắn chú gấu con. Ông đã từ chối vì nhận thấy điều này là không công bằng.

Câu chuyện sau đó được dư luận bàn tán và xuất hiện trên các mặt báo. Một chủ cửa hàng kẹo ở New York tên là Morris Michtom, người thường hay làm thú nhồi bông cùng vợ, quyết định làm một chú gấu bông màu đen và đặt tên là “Teddy’s Bear” (gấu của Teddy).

Sau đó Michtom gửi món đồ chơi này đến Tổng thống xin phép được sản xuất và bán đại trà. Không chỉ thành công ở thị trường Mỹ, gấu teddy òn được bán trên khắp thế giới. Danh tiếng này đã giúp Mitchim thành lập công ty sản xuất đồ chơi Ideal Toy Company.

Ông giúp cứu vãn môn bóng bầu dục

Teddy Roosevelt, giống như các thành viên cấp cao trong Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu của Mỹ), rất thích bóng bầu dục, nhưng ông cũng lo ngại về bạo lực không kiểm soát của môn thể thao này. Việc chơi mà không có các miếng đệm hay mũ bảo hiểm, bóng bầu dục là môn thể thao nguy hiểm, thậm chí chết người ở đầu thế kỷ 20. Từ năm 1900 đến tháng 10/1905, có 45 cầu thủ chết do những chấn thương trên sân, trong đó có cả gãy cổ, chấn thương và chảy máu trong.

Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ đã góp phần giúp bóng bầu dục khỏi nguy cơ "xóa sổ". Ảnh: History

Sau cái chết bi thảm của cầu thủ Harold Moore của trường Union tháng 11/1905, các trường đại học nổi tiếng khác như Columbia, Duke và Northwestern đã đình chỉ chương trình bóng bầu dục và lúc đó Havard cũng đang cân nhắc điều tương tự.

Roosevelt đã triệu tập một cuộc họp Nhà Trắng vào tháng 12/1905 với các HLV trưởng bóng bầu dục, các quan chức Ivy League để thảo luận việc thay đổi quy định nhằm cứu môn thể thao này khỏi nguy cơ bị “xóa sổ”. Dù khi bản thân Roosevelt không đi đến các quy tắc mới, nhưng ông lại rất ủng hộ việc cải cách luật chơi, để tiếp tục duy trì môn bóng bầu dục.

Cải cách chống độc quyền

Đạo luật Chống độc quyền Sherman đã được thông qua 10 năm trước khi Roosevelt bước vào Nhà Trắng, nhưng Roosevelt là người đầu tiên để Bộ Tư Pháp để phá vỡ sự độc quyền.

Năm 1904, Tòa án tối cao phán quyết Công ty Chứng khoán Miền Bắc, một công ty độc quyền đường sắt mà Roosevelt khởi kiện, đã thông đồng một cách không công bằng để định giá và đã phải giải thể. Chính quyền Roosevelt cũng đã thành lập Cơ quan Hợp tác, một cơ quan giám sát tài chính, là tiền thân của Ủy ban thương mại Liên bang ngày nay.

Ông đấu tranh cho sự bảo tồn

Là một người đam mê các hoạt động bên ngoài, săn bắt và chăn nuôi gia súc, Roosevelt là người cực kỳ ủng hộ việc bảo tồn tự nhiên và đất đai. Chỉ riêng thời gian ông làm Tổng thống, Roosevelt đã bảo vệ 230 triệu mẫu đất công, trong đó có cả việc thành lập Cục Kiểm lầm Mỹ và khánh thành 5 công viên quốc gia.

Không chỉ Roosevelt hành động trong 7 năm làm tổng thống để bảo vệ các thắng cảnh biểu tượng của Mỹ như Thung lũng Yosemite và Grand Canyon, mà ông còn thông qua Đạo luật Antiquities (tạm dịch là Đạo luật di tích) năm 1906, tạo điều kiện cho các tổng thống sau này mở rộng quyền lực để bảo vệ các di sản văn hóa và tự nhiên quan trọng cũng như các công trình kỷ niệm quốc gia./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo History

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/7-di-san-cua-tong-thong-theodore-roosevelt-khong-phai-ai-cung-biet-1002459.vov