7 đèn cảnh báo trên ô tô tài xế không thể bỏ qua

Trên chiếc xe ô tô hiện đại có thể có hàng chục hệ thống kiểm soát tích hợp đèn cảnh báo khi có sự cố bất thường. Người lái xe có thể không nhớ được hết tất cả, nhưng nhất thiết phải nhớ những đèn cảnh báo nguy hiểm sau đây.

1. Đèn cảnh báo hệ thống phanh

Khi đèn này bật sáng thì có thể có nhiều nguyên nhân, do má phanh mòn quá hoặc do rò rỉ đường dẫn dầu sẽ khiến dầu phanh bị thiếu. Dấu hiệu đi kèm có thể là đạp phanh có cảm giác mềm hơn bình thường và thậm chí là phanh không ăn. Cảm giác chân phanh bị thụt còn có thể do hỏng một trong số các cupen phanh, làm giảm hoặc mất áp suất dầu phanh.

Khi đèn này bật sáng thì có thể có nhiều nguyên nhân, do má phanh mòn quá hoặc do rò rỉ đường dẫn dầu sẽ khiến dầu phanh bị thiếu. Dấu hiệu đi kèm có thể là đạp phanh có cảm giác mềm hơn bình thường và thậm chí là phanh không ăn. Cảm giác chân phanh bị thụt còn có thể do hỏng một trong số các cupen phanh, làm giảm hoặc mất áp suất dầu phanh.

2. Cảnh báo kiểm tra lỗi động cơ

Khi đèn này sáng, lỗi gì đó bên trong động cơ, cần đưa xe đến service uy tín để kiểm tra và xử lý. Đó có thể là do hệ thống cảm biến ô-xy không hoạt động, hệ thống đo gió bị hỏng… Đôi khi, mức độ nguy hiểm có thể không cao, nhưng có thể làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu tới 30%.

3. Cảnh báo áp suất lốp

Đèn sẽ sáng khi bất kỳ bánh nào có áp suất thấp hơn 25% so với tiêu chuẩn. Lái xe trong tình trạng non hơn làm tăng nguy cơ nổ lốp. Bánh xẹp cũng khiến lực phanh và lực bám không đều. Làm tăng lực cản ma sát và mức tiêu thụ nhiên liệu. Nguyên nhân có thể lốp bị bục hoặc khí thẩm thấu ra ngoài theo thời gian. Trung bình áp suất hơi trong bánh giảm 0,07 - 0,14 atmosphere. Nhưng đôi khi cũng có thể do cảm biến áp suất lốp hỏng. Cần kiểm tra và bổ sung thêm khí theo khuyến cáo ghi trên sườn lốp.

4. Cảnh báo áp suất dầu bôi trơn

Dấu hiệu này cho thấy áp suất dầu bôi trơn trong động cơ thấp, không đảm bảo để động cơ hoạt động an toàn. Việc cố tình lái xe trong tình trạng như vậy có thể làm hỏng động cơ hỏng nặng vì các bề mặt kim loại có chuyển động tương đối bị cào xước... Áp suất thấp có thể vì thiếu dầu, dầu quá loãng, các ổ trục đã mòn không duy trì được áp suất hệ thống hoặc thiết bị đo áp suất dầu đã hỏng.

5. Cảnh báo nhiệt độ nước làm mát

Khi đèn "TEMP" sáng chứng tỏ động cơ bị quá nhiệt. Các chi tiết giãn nở quá mức khiến chúng bị kẹt hoặc gãy vỡ như cào xước pít-tông, mòn xu-páp, thổi gioăng quy-lát, hoặc biến dạng xi-lanh... Đưa xe vào lề đường bạn có thể thấy nước có thể rỉ ra ngoài từ khe hở từ két nước, ống nóng. Cần chú ý tới mức nước trong bình nước phụ. Tuyệt đối không mở nắp két nước hoặc bình nước phụ khi động cơ còn nóng bởi nước có thể trào ra ngoài gây bỏng. Việc sử dụng đúng chủng loại nước làm mát giúp động cơ vận hành ổn định và bền hơn.

6. Cảnh báo hệ thống túi khí

Hệ thống kiểm soát túi khí an toàn ngừng hoạt động, và túi khí có thể không bung khi va chạm xảy ra. Nguyên nhân trên một số dòng xe đôi khi rất đơn giản, có thể chỉ là do chân giắc cắm bị tiếp xúc kém.

7. Đèn báo nạp ắc quy

Đây là dấu hiệu cho thấy máy phát trên xe đang làm việc không bình thường hoặc không làm việc, có thể do bị hỏng hay đai dẫn động máy phát bị trùng hay đứt hoặc nặng nhất là cháy máy phát. Xe sẽ vẫn chạy bình thường và sử dụng nốt năng lượng điện còn lại trong ắc quy.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/7-den-canh-bao-tren-o-to-tai-xe-khong-the-bo-qua-211578.html