7 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn 'kỵ' đường

Bạn hoàn toàn có thể phát hiện sớm tình trạng tiêu hóa đường và tinh bột kém qua những dấu hiệu dễ nhận thấy sau.

Nhiều người thường không nhận ra các triệu chứng của tình trạng không dung nạp carbohydrate, và nhầm lẫn chúng với dấu hiệu của các vấn đề khác. Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể bạn không thể tiêu hóa các loại thực phẩm có chứa tinh bột hoặc có nhiều đường một cách hiệu quả. Trong số đó bao gồm đồ ăn đã chế biến, một số loại trái cây và sữa. Bạn hoàn toàn có thể phát hiện sớm tình trạng này qua những dấu hiệu dễ nhận biết sau.

1. Co thắt dạ dày

Giống như nhiều trường hợp cơ thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn không dung nạp đường là co thắt dạ dày. Mặc dù trái cây và rau quả tốt cho sức khỏe và rất cần thiết cho một chế độ ăn uống cân bằng, một số trong đó có thể chứa quá nhiều tinh bột và carbohydrate, dễ dàng làm gián đoạn quá trình tiêu hóa. Một vài cái tên trong số đó là ngô, khoai lang, quinoa, chuối, yến mạch, táo và xoài.

Dĩ nhiên là chỉ một mình dấu hiệu co thắt dạ dày thì không đủ để chắc chắn rằng bạn khó tiêu hóa tinh bột hoặc đường. Vấn đề này thường được đi kèm với nhiều triệu chứng hơn.

2. Bắt đầu cảm thấy buồn nôn

Ngoài co thắt ra, buồn nôn và chóng mặt có thể là những dấu hiệu khả dĩ khác. Một số thực phẩm khác thường chứa đường “ẩn” là các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt nhiều muối như các loại hạt, khoai tây chiên, nước sốt rau trộn, sốt mì ống và yến mạch ăn liền. Để đảm bảo an toàn, hãy xem kỹ thành phần được ghi trên bao bì để tránh gặp phải những gián đoạn tiêu hóa không mong muốn.

3. Bụng đầy hơi

Co thắt vùng bụng và buồn nôn thường đi kèm với một triệu chứng khác là đầy hơi trướng bụng. Mặc dù việc cảm thấy bụng “sưng” lên sau khi ăn một số loại thực phẩm hay sau một bữa ăn lớn là điều rất bình thường, bạn cần đặc biệt lưu ý đến lượng đường trong thức ăn. Chất tạo ngọt cũng là một thứ khác có thể chứa đường “ẩn”. Trong số đó bao gồm siro cây thùa và ngô, mật đường, đường nâu, và thậm chí cả mật ong.

4. Bạn “xì hơi” nhiều hơn

Ăn quá nhanh và nuốt vội vàng cũng có thể khiến bạn dễ “xì hơi”. Thông thường, đây có thể là dấu hiệu của thói quen ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất hiện cùng với các triệu chứng khác đã được liệt kê ở trên, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần chú ý hơn đến thực phẩm mình nạp vào.

Các sản phẩm có chứa lactose (đường trong sữa) có thể là những chất gây rối loạn tiêu hóa. Chúng có thể khiến cơ thể của bạn gặp nhiều rắc rối, trong số đó có việc “đánh rắm” nhiều hơn bình thường.

5. Cảm thấy thèm nhiều đồ ngọt hơn

Đây là “chỉ báo” dễ gây nhầm lẫn. Những người khó tiêu hóa carbohydrate, trong đó bao gồm đường, vẫn có thể mang cảm giác thèm ăn những loại thực phẩm này hơn người thường. Tuy nhiên, lý do đằng sau việc này có thể là sự thay đổi hormone hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng cụ thể nào đó trong cơ thể.

6. Cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn tinh bột

Nếu cảm thấy muốn đi ngủ sau khi một bữa ăn nhiều carbohydrate, đây có thể là cơ sở để đặt nghi vấn rằng cơ thể bạn không tiêu hóa carbohydrate tốt. Hơn nữa, triệu chứng này còn có thể đi kèm với những tình trạng khác như cảm giác yếu người, kiệt sức, thay đổi cảm xúc, hay thậm chí là đau đầu.

7. Cảm thấy lo lắng, bồn chồn

Việc nạp một lượng lớn thực phẩm chứa nhiều đường có thể là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng. Tuy nhiên, bạn vẫn hoàn toàn có thể cảm thấy lo lắng, bồn chồn kể cả khi ăn uống rất ít đường. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp vấn đề trong việc tiêu hóa chúng.

Theo VTV

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/202012/7-dau-hieu-cho-thay-co-the-ban-ky-duong-2514940/