7 dấu hiệu cảnh báo xấu trong hôn nhân

TGTTO Khi đang yêu, rung động con tim dễ làm mờ lý trí. Càng lâu sau khi cưới, cuộc sống vợ chồng càng tồn tại các tín hiệu cảnh báo bất ổn nhưng thường bị người trong cuộc làm lơ.

Có không ít phụ nữ tự hỏi, kỷ niệm 15 năm ngày cưới chí ít cũng là một kỳ tích mà chẳng thấy động tịnh gì từ chồng. Ngay sự kiện được cho là trọng đại ấy còn bị dửng dưng thì ngày thường thái độ xa cách, lạnh lùng còn như thế nào nữa. Thực sự có gì đó bất ổn đang xảy ra nếu như các bà vợ không gỡ xuống chiếc kính màu hồng của thời đang yêu. Còn đeo nó, họ không thể nhận ra những dấu hiệu xấu trong đời sống hôn nhân của mình, chí ít cũng là 7 cảnh báo này:

1. Câu “xa mặt cách lòng” bao giờ cũng đúng!

Không cần phải nằm trong tình huống hai người cách biệt hai bờ đại dương, mà nó đúng ngay cả khi họ cùng chung sống một nhà. Khi đang yêu người ta không giáp mặt nhau một ngày cũng thấy nhớ. Thế mà khi về chung nhà được một thời gian, tần số mặt đối mặt của các cặp vợ chồng ngày càng thấp đi. Cơ hội nhìn nhau nhiều nhất là khi cả hai cùng ngồi lại chia sẻ chuyện nhà. Nhưng ở nhiều gia đình, chúng lại được thay thế bằng những cuộc tranh cãi, sửng cồ. Ngay cả khi thân mật nhất là ái ân, giây phút chồng vợ nằm quay lưng vào nhau có khi còn nhiều hơn khoảnh khắc mắt kề mắt đầy âu yếm. Thế thì làm sao “lòng” chẳng “cách”!

Nên nhớ, xa nhau không bao giờ giúp tình yêu phát triển, cho dù các cặp đôi vẫn được khuyên hãy dành cho bạn tình một khoảng trống.

2. Là người phối ngẫu hay là một thực thể sống ký sinh?

Chấp nhận cùng tròng ngón tay vào nhẫn cưới là cả hai mong muốn được ở bên nhau. Theo thời gian, tình trạng “ở bên nhau” ấy lại biến thiên nhiều vẻ. Một cô vợ lặng lẽ bên chồng như chiếc bóng, như một ký sinh trùng, nói nôm na là “sống bám”, dù có được khéo léo che đậy bằng những từ “phục tùng”, “gái theo chồng” đi chăng nữa, xem như lối sống ấy đã khiến ý nghĩa hôn nhân bị méo mó.

Người đàn ông làm bổn phận gia chủ một cách máy móc, chỉ biết đi làm đưa tiền về nhà, mất đi cảm giác về sự hiện diện của người đã chấp nhận gắn bó cuộc đời với mình. Điều đó cũng là dấu hiệu cảnh báo mối quan hệ đang xấu đi.

3. Gia đình và bạn bè của người này là cái gai trong mắt người kia. Thực ra trong các lý do xào xáo vợ chồng cũng có một số bắt nguồn từ các mối quan hệ thân thuộc, bạn bè của chồng hay vợ. Tuy nhiên, đó là những cớ sự thụ động, chẳng đặng đừng. Còn khi chàng hay nàng luôn luôn phàn nàn về người thân, người quen của nhau, hoặc không thích bạn tình quá thân thiết với những mối dây liên kết ấy, cả hai phải xem lại tình trạng quan hệ hôn nhân.

Một hình thái khác cũng đáng báo động không kém là khi vợ hay chồng dùng dòng họ của mình để gây áp lực lên nhau theo ý đồ riêng. Từ đó, một khi chiến cuộc xảy ra, nó không còn là sa bàn tranh chấp giữa hai người nữa, mà đã là vết dầu loang, có gắng chữa cũng khó khăn bội phần.

4. Khác nhau trong những giá trị cốt lõi. Các nhà tâm lý cho rằng hạnh phúc hôn nhân có thể đến từ sự bù trừ giữa hai người trong cuộc, tức thiếu, thừa bổ sung cho nhau. Thế nhưng, cũng chính các chuyên gia này lại khẳng định, một khi vợ chồng nhận ra mình khác nhau trong những giá trị cốt lõi, lúc ấy cả hai phải tự cảnh giác, hôn nhân đang có vấn đề. Đây không phải là chuyện đơn giản “tôi thích chó, anh thích mèo” mà là sự khác biệt về các giá trị căn bản và mục tiêu cuộc sống như con cái, sự nghiệp, đạo lý làm người… Đó là những điểm chung thiết yếu mà giữa vợ chồng càng có ít, hiểm họa hôn nhân sa lầy càng gần.

5. Cuộc sống hôn nhân khiến một trong hai người thấy mình bế tắc. Sẽ là một mối nguy khác nếu càng ở bên nhau mà chồng hay vợ mỗi ngày cứ thấy chính mình tệ hại, thiếu mạnh mẽ, lạc quan, tích cực đối với cuộc sống đời thường.

Nếu một người khiến bạn tình cảm thấy khó chịu về những gì họ chọn theo đuổi mỗi ngày như cách ăn uống, chưng diện, làm việc… xem như người ấy đang tự tay đẩy bạn tình xa khỏi giấc mơ, mong muốn mà cả hai đang gầy dựng. Tóm lại, một khi chồng hay vợ thấy những tính cách tích cực mình có trước khi về cùng nhau nay đang dần biến thành tiêu cực, đó cũng chính là một dấu hiệu cảnh báo hôn nhân đang trong tình trạng tệ hại.

6. Từ chối bàn chuyện tương lai. Ngày mai luôn là mục tiêu khẩn thiết cho ngay cả những cuộc tình nghiêm túc, chứ chưa cần nói đến đời sống hôn nhân vợ chồng bền lâu. Trong gia đình, khi còn có nhiều dự án phía trước để hai người cùng theo đuổi, độ dính kết của nghĩa phu thê càng bền chặt.

Sống chung với nhau mà ai cũng nghĩ “ngày nào biết ngày đó” cũng là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đáng dè chừng. Những quyết định về tương lai ngay trong hiện tại mà hai người cùng đưa ra với nhau chính là những viên đá tảng làm tăng độ vững chãi cho ngôi nhà gia đình. “Chúng ta sẽ làm tiếp những gì?” là câu hỏi thường xuất hiện trong một mối quan hệ lành mạnh.

7. Điểm duy nhất để gắn bó là sinh hoạt tình dục. Tình yêu không thể thiếu tình dục, nhưng chỉ tình dục không thì chẳng thể có hôn nhân. Một gia đình tốt được xây dựng trên nhiều thứ, từ hòa hợp tâm lý, tính cách, cảm xúc và cả những mối quan hệ mang tính con người. Trong khi đó, tình dục chỉ tạo ra các cảm xúc nhất thời cho cả tâm lẫn sinh lý, mang tính vị kỷ chỉ riêng hai người và là ngọn lửa chóng tàn nhất trong các thứ lửa tạo ra một mái ấm.

Vợ chồng sống với nhau mà hỉ, nộ, ái, ố đều bị tác động theo tần suất và cảm xúc của những lần ái ân mà thôi chẳng khác gì hai người đang chơi trò đánh đu với chính cuộc đời mình, mà phía dưới không có lấy một tấm lưới bảo hộ nào.

HẢI NGƯ (Theo mensxp.com)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/7-dau-hieu-canh-bao-xau-trong-hon-nhan-15036.html