7 cách cải thiện khả năng giao tiếp trước đám đông

Không phải ai bẩm sinh cũng có năng khiếu tự tin giao tiếp trước đám đông. Phần lớn đều cần rèn luyện để trở thành người diễn thuyết hoàn hảo.

Luôn bình tĩnh: Theo Đại học Harvard (Mỹ), ai cũng có những phản ứng sinh lý như tim đập nhanh và tay run. Bạn đừng nghĩ rằng những cảm giác này là do bạn kém hay thiếu tự tin. Cách tốt nhất để vượt qua lo lắng là chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ. Dành thời gian để xem lại các ghi chú nhiều lần. Khi đã cảm thấy thoải mái với tài liệu, bạn hãy thực hành thật nhiều. Bạn có thể tự quay video hoặc nhờ bạn bè kiểm chứng màn trình diễn của mình để sửa lỗi kịp thời nếu có. Nhắm mắt và hít thở sâu vài phút cũng giúp bạn kiểm soát những phản ứng này. Ảnh: Verywellmind.

Hiểu rõ về nhu cầu của người nghe: Trước khi bắt đầu soạn thảo thông điệp của mình, bạn cần cân nhắc xem thông điệp đó dành cho ai. Bạn nên tìm hiểu càng nhiều về người nghe càng tốt. Điều này giúp bạn xác định lựa chọn từ ngữ, mức độ thông tin, mô hình tổ chức phù hợp. Ảnh: Incmagazine.

Theo dõi và linh hoạt với phản hồi của người nghe: Khi nói trước đám đông, bạn cần giữ sự tập trung vào người nghe, theo dõi phản ứng của họ, điều chỉnh thông điệp và linh hoạt theo những phản ứng đó. Việc chỉ nói theo những gì mình đã chuẩn bị sẽ gây nhàm chán và làm mất đi sự chú ý của người nghe. Ảnh: Autonomous.

Hãy là chính mình: Bạn nên là chính mình, đừng thay đổi điều gì trong bất kỳ hình thức giao tiếp nào. Bạn sẽ tạo được uy tín tốt hơn nếu tính cách của bạn tỏa sáng và mọi người sẽ tin tưởng những gì bạn nói nếu họ có thể nhìn nhận con người thực sự của bạn. Ảnh: Sparkol.

Sử dụng sự hài hước, kể chuyện: Theo tạp chí Success, việc đưa một giai thoại hài hước vào bài thuyết trình có thể giúp bạn thu hút được sự chú ý của người nghe. Mọi người thường thích sự liên tưởng đến vấn đề cá nhân nào đó trong một bài phát biểu. Ngoài ra, điều đó cũng làm cho bài thuyết trình của bạn bớt nhàm chán và đặc sắc hơn. Ảnh: Successmagazine.

Đừng đọc kịch bản trừ khi bắt buộc: Đọc nguyên văn một kịch bản có thể phá vỡ sự kết nối với người nghe. Bằng cách duy trì giao tiếp bằng mắt với khán giả, bạn tập trung vào bản thân và cho thấy rõ thông điệp của mình. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị bản phác thảo ngắn gọn để nhớ dễ hơn và không bị lúng túng khi giao tiếp. Ảnh: Buzz.

Sử dụng cử chỉ tay hiệu quả: Chuyển động của tay là cách tuyệt vời để nhấn mạnh một số điểm nhất định khi thuyết trình. Tuy nhiên, điều quan trọng là không để chuyển động này làm mất tập trung vào những gì bạn đang cố gắng nói. Vì vậy, bạn cần chú ý đến đôi tay khi nói chuyện. Làm chậm chuyển động của chúng cũng có thể giúp não hoạt động chậm lại, tạo cảm giác bình tĩnh hơn. Ảnh: Entrepreneur.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-cach-cai-thien-kha-nang-giao-tiep-truoc-dam-dong-post1333197.html