7 bức tranh được công nhận Bảo vật quốc gia của Việt Nam

'Em Thúy', 'Hai thiếu nữ và em bé', 'Vườn xuân Trung Nam Bắc'… là những bức tranh nổi tiếng đã được công nhận làm Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Em Thúy: Họa phẩm Em Thúy được họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ vào năm 1943, bằng chất liệu sơn dầu, kích thước 60 x 45 cm. "Em Thúy" được đánh giá là tác phẩm chân dung tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2013, tác phẩm đã được công nhận là "Bảo vật quốc gia". Ảnh: Laodong.vn.

Hai thiếu nữ và em bé: Đây là kiệt tác để đời của của danh họa Tô Ngọc Vân, được vẽ năm 1944 bằng chất liệu sơn dầu. Cục Di sản Văn hóa nhận xét bức tranh là tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, vừa có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, văn hóa. Tranh được công nhận "Bảo vật quốc gia" năm 2013, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân.

Vườn xuân Trung Nam Bắc: Một trong số các "Bảo vật quốc gia" tiêu biểu nhất của nền hội họa Việt Nam. Tác phẩm được sáng tác trong 20 năm ròng, khởi đầu từ năm 1969, hoàn thành năm 1989, mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, trảy hội xuân với khung cảnh chùa chiền, cây cối. Năm 1990, tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc được Ủy ban Nhân dân TP HCM trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM và được trưng bày, lưu giữ tại đây đến nay. Năm 2013, Chính phủ công nhận tác phẩm là "Bảo vật quốc gia". Ảnh: Laodong.vn.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ: Tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963, bằng chất liệu sơn mài. Theo Cục Di sản văn hóa, ngoài giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tác phẩm được đánh giá cao nhờ giá trị lịch sử: "Tranh ghi lại chân thực hình ảnh cuộc kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc - kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ", Năm 2013, tác phẩm được công nhận là "Bảo vật quốc gia". Bức tranh hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh:Báo Nhân dân.

Thanh niên thành đồng: Họa phẩm này cũng là tác phẩm thứ hai của họa sĩ Nguyễn Sáng được công nhận là "Bảo vật quốc gia". Bức Thanh niên thành đồng sử dụng chất liệu sơn mài, hoàn thành năm 1978, mô tả cảnh học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chiến tranh trong những năm 1960, phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam. Bìa trái là hai lính Mỹ tay lăm lăm súng chĩa về phía đám đông. Để nhấn mạnh tinh thần bất khuất của thanh niên, trên mép tranh Nguyễn Sáng còn đề thêm hai từ tiếng Anh "Go home" và một từ tiếng Việt "Cút". Tác phẩm được tác giả chuyển nhượng cho Bảo tàng TP HCM năm 1980 và sau này chuyển giao qua Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM theo quyết định của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố. Ảnh: VOV.vn.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc: Bức tranh này được họa sĩ Dương Bích Liên sáng tác năm 1980 bằng chất liệu sơn mài, kích thước 99,8 x 180 cm, khắc họa cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và con ngựa chuẩn bị băng qua dòng suối chảy cuồn cuộn với dáng vẻ ung dung. Bức vẽ cũng gợi không gian núi rừng với màu xanh bạt ngàn. Năm 2017, tác phẩm được công nhận là "Bảo vật quốc gia", hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gióng: Gióng là bức tranh do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác bằng sơn mài năm 1990, kích thước 90 x 120,3 cm. Tác phẩm tạo hình anh hùng Gióng trong truyền thuyết bằng ngôn ngữ lập thể ảnh hưởng phương Tây, bao gồm nhiều nét kỷ hà (những hình đơn giản như vuông, tam giác, tròn, kim cương, hình thang, bán nguyệt… hay các khối trụ, cầu). Ngoài ra, họa sĩ đan xen nhiều họa tiết, hoa văn vận dụng từ nghệ thuật Đông Sơn trên trang phục của Gióng và vũ khí rìu đồng, lá chắn ngực...Năm 1990, tranh sơn mài Gióng giành giải nhất trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Năm 2017, tác phẩm được công nhận là “Bảo vật quốc gia”, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-buc-tranh-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-cua-viet-nam-post1203806.html