7 bí quyết đối phó với chứng đau dây chằng khi mang thai

Đau dây chằng là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ với những cơn đau âm ỉ ở phần bụng dưới hay bẹn.

Khi mang thai, các dây chằng trở nên căng và dày hơn để hỗ trợ tử cung, nâng đỡ trọng lượng bé, nước ối, nhau thai,... Khi đó, dây chằng tròn trở nên mở rộng và kéo giãn khiến mẹ bầu sẽ có cảm giác đau ở hai bên bụng, thường diễn ra ở phần bụng dưới, có khi đau sâu ở bên trong háng.

Đồng thời, có thể kéo dài lên phía trên và ra phía ngoài hai bên đầu hông, có thể đau ở một hoặc cả hai bên bụng của mẹ bầu, đau nhói khi đột ngột thay đổi vị trí hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới khi làm việc quá sức,… Chính vì vậy, bài viết sẽ gợi ý cho các mẹ bầu một số bí quyết để giảm tình trạng đau dây chằng.

Đau dây chằng là hiện tượng dây chằng mở rộng và dày lên để đủ sức hỗ trợ tử cung, nâng đỡ trọng lượng bé, nước ối, nhau thai,… (Ảnh minh họa: Internet)

Nghỉ ngơi hợp lý

Khi bị đau dây chằng trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên làm việc nhẹ nhàng, thư giãn và tránh các công việc nặng cũng như đứng hoặc ngồi quá lâu. Trong lúc làm việc, nếu mẹ bầu cảm thấy đau thì nên thư giãn, nghỉ ngơi một chút để các cơn đau qua đi mới quay lại công việc.

Ngoài ra, nếu công việc buộc mẹ phải ngồi nhiều thì tốt nhất mẹ nên cố gắng thỉnh thoảng đứng dậy và đi lại. Theo đó, cứ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ, mẹ bầu nên đi lại khoảng 5 phút.

Vận động thường xuyên

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên vận động thân thể thường xuyên và nhẹ nhàng. Trong đó, đi bộ là cách hiệu quả để giảm các cơn đau dây chằng. Lưu ý, mẹ bầu nên sử dụng giày thể thao thay vì dép để các dây chằng tại chi dưới di chuyển linh hoạt hơn.

Tư thế ngủ thoải mái

Khi ngủ, mẹ bầu nên nằm nghiêng và chèn một chiếc gối dưới bụng cũng như kẹp một chiếc khác giữa hai chân. Theo đó, với phương pháp này, mẹ bầu còn tránh được các biến chứng khó chịu của thai kỳ như: Đau lưng, đau hông, đau xương chậu,... Ngoài ra, khi đang ngồi hay nằm mà cảm thấy đau thì mẹ bầu nên thay đổi tư thế từ từ để thư giãn và giảm đau cho cơ thể.

Mẹ bầu nên nghỉ ngơi hợp lý và vận động nhẹ nhàng để giảm tình trạng đau dây chằng khi mang thai. (Ảnh minh họa: Internet)

Massage thư giãn

Khi bị đau dây chằng, mẹ bầu có thể xoa bóp và massage hông, đắp khăn nóng vào vùng bụng dưới. Bên cạnh đó, mẹ có thể ngâm mình trong nước ấm hoặc tắm vòi sen có tác dụng tương tự giúp dễ chịu và làm dịu các cơn đau. Tuy nhiên, chỉ nên để nước vừa đủ ấm và ngâm mình khoảng 10 đến 15 phút.

Dùng thuốc giảm đau

Khi cơn đau dây chằng kéo dài, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng Paracetamol để giúp giảm đau. Cần lưu ý, mẹ bầu tuyệt đối không được sử dụng thuốc bừa bãi bởi có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Dùng đai đỡ lưng

Mẹ bầu nên sử dụng các loại đai đỡ lưng để giúp chống lưng khi đi bộ nhiều, đi xe đường dài,... Điều này sẽ giúp hỗ trợ dây chằng trong quá trình nâng đỡ tử cung đầy vất vả nên mẹ sẽ đỡ bị đau hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng đai đỡ bụng, vì khi đó các cơ được hỗ trợ sẽ làm việc ít đi, có thể kéo theo những hệ quả về vấn đề giảm trương lực cơ sau sinh.

Đặc biệt lưu ý, nếu cơn đau dây chàng kéo dài kèm theo các dấu hiệu như đau dữ dội, sốt, ớn lạnh, buồn nôn,... mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra để có cách điều trị hiệu quả nhất.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/7-bi-quyet-doi-pho-voi-chung-dau-day-chang-khi-mang-thai-c20a294121.html