7 bí kíp nấu ăn đúng cách cho hội 'yêu bếp, nghiện nhà'

Giãn cách xã hội là cơ hội để bạn trổ tài nấu nướng, cũng như chăm sóc gia đình mùa dịch, nhưng hãy lưu ý một số điều sau để mỗi bữa ăn luôn dinh dưỡng và an toàn.

Lên menu, thuộc công thức trước khi nấu: Giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc bạn phải hạn chế ra ngoài ở mức tối thiểu, giảm tần suất đi chợ từ vài lần mỗi ngày sang đôi lần trên tuần. Nếu không muốn “não cá vàng” của mình khiến bữa cơm thiếu sắc, khuyết vị thì tốt nhất bạn hãy lên sẵn thực đơn và viết trước những đồ cần thiết trước khi mua sắm hoặc tham khảo các thực đơn trên Zing để bữa ăn hang ngày thêm phong phú.

Chế độ ăn đặc biệt cho từng thành viên trong gia đình: Sẽ rất tuyệt vời nếu mỗi ngày bạn chiêu đãi cả nhà một món ăn mới, nhưng đó là với một gia đình khỏe mạnh. Chớ vì quá nhiệt tình mà thết đãi cả nhà sơn hào hải vị khi gia đình có người bị gout, hay nêm nhiều đường khi ai đó có đường huyết cao… Một bữa ăn ngon không đơn thuần là món ăn phong phú, mà còn cần khoa học và cân bằng dinh dưỡng.

Nêm gia vị đúng thời điểm: Chuyện nêm nếm những tưởng chỉ cần vừa miệng, nhưng lại phức tạp hơn thế. Ví như nước mắm chỉ nên cho sau cùng, khi món ăn đã gần hoàn thiện, việc đun nước mắm trên lửa quá lâu không những không giữ được mùi thơm ngon của loại gia vị này, mà còn làm “bốc hơi” lượng vitamin có trong chúng. Hay như với hạt nêm, bạn nên rắc vào món ăn khi vừa sôi tới, không nên cho vào quá sớm để vị vừa kịp ngấm vào món ăn mà không bị bay mùi của nguyên liệu.

Bảo quản đúng cách cho từng loại gia vị: Vấn đề mà nhiều bà nội trợ gặp phải là các loại gia vị bị thay đổi mùi vị, mốc, hư hỏng dù chỉ dùng trong một thời gian ngắn. Để bảo quản tốt các loại gia vị, bạn nên sử dụng lọ đựng bằng thủy tinh có nắp gài chắc chắn, để ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Với các gói gia vị chưa dùng đến, bạn nên cất trong tủ đựng đồ kín để tránh chuột, gián hoặc tiếp xúc với không khí gây ẩm mốc, thay đổi mùi vị.

Chọn đồ chấm phù hợp: Nước chấm giúp nâng tầm món ăn, chẳng thế mà trong ẩm thực Việt, mỗi loại thực phẩm với cách thức chế biến khác nhau lại có một loại nước chấm riêng: Rau củ chấm nước mắm, đồ chiên rán sẽ khó tròn vị nếu không có tương ớt... Hãy đảm bảo căn bếp của bạn luôn có đủ gia vị chấm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, ít nhất là 2 loại cơ bản nhất gồm nước mắm và tương ớt và sưu tập cho mình nhiều công thức pha nước chấm khác. Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, bạn cũng nên sử dụng bát nước chấm riêng cho từng thành viên trong gia đình.

Lựa chọn thương hiệu gia vị uy tín: Khi người dân hạn chế ra ngoài cũng là cũng lúc mua sắm online “lên ngôi”. Bên cạnh những ưu điểm như tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng rất dễ “mắc bẫy” của các loại quảng cáo. Để trở thành người tiêu dùng thông thái, tốt nhất bạn hãy chọn các loại gia vị của thương hiệu uy tín, quen thuộc trên thị trường và được kiểm định chất lượng.

Không dùng dầu chiên đi chiên lại: Tận dụng lượng dầu chiên còn lại cho những lần sử dụng tiếp theo là cách làm được lòng khá nhiều bà nội trợ Việt. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phản khoa học. Khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu sẽ bị phá hủy, làm xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao.

Zing và Chinsu đồng hành thực hiện chương trình "Cơm nhà là nhất", nhằm gợi ý cho độc giả những công thức nấu ăn vừa ngon vừa khỏe cho gia đình trong mùa dịch, đồng thời khích lệ tinh thần yêu bếp, tạo thói quen nấu ăn tại nhà để bạn đọc có những bữa cơm ngon lành bên người thân yêu.

https://zingnews.vn/tieu-diem/com-nha-la-nhat.html

Minh San - Nguyên Phương
Giang Uyển Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-bi-kip-nau-an-dung-cach-cho-hoi-yeu-bep-nghien-nha-post1079809.html