7 bài học cho sự thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050… Phải làm gì để giúp người già được tiếp cận với cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc?

Đó là thông điệp và cũng là câu hỏi vừa được bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đưa ra nhân sự kiện toàn thế giới đánh dấu sự kiện ngày Quốc tế Người cao tuổi 2018 (1/10) với chủ đề “Tôn vinh gương sáng người cao tuổi trong đấu tranh bảo vệ quyền con người”.

Theo bà Astrid Bant: "Trong giai đoạn 2015 - 2030, số người cao tuổi trên toàn cầu sẽ tăng lên 56% - từ 901 triệu lên 1,4 tỷ. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 15-24. Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2038. Khi thế giới xây dựng một Chương trình Phát triển mới truyền cảm hứng và cam kết đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững mới thì Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi. Và, già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải làm sao để chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc”.

Theo bà Astrid Bant (thứ 2 từ phải qua): "Người cao tuổi có thể là những người tích cực mong muốn hoạt động tham gia xã hội. Chúng ta không được đối xử với người cao tuổi như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động. Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi”.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Dự báo đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ là khoảng hơn 21 triệu người... (Ảnh minh họa)

Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Xu hướng già hóa dân số là tất yếu, chính vì vậy Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

* Bài học cho Việt Nam? Trong Tọa đàm "Thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam: Con đường phía trước” diễn ta ngày 1/10 tại Hà Nội, các đại biểu đến từ Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, Tổng cục DS-KHHGĐ, Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam... đã đưa ra 7 bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam:

-Thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa;

-Vấn đề người cao tuổi liên quan chặt chẽ tới 15/17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), do đó cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021-2030;

-Cần tiếp tục thực hiện, đồng thời rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi, như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng Giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hóa dân số;

-Cần xóa bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, lưu ý tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo người cao tuổi có thể tham gia vào hoạt động kinh tế và xã hội; phát triển dịch vụ cho người cao tuổi tại cộng đồng, các mô hình câu lạc bộ người cao tuổi, đặc biệt câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau theo Quyết định 1533/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; trung tâm chăm sóc ban ngày, ngắn ngày tại cộng đồng;

-Cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ, để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người cao tuổi;

-Cần có các nghiên cứu đánh giá, tăng cường thu thập số liệu, thông tin về người cao tuổi và tác động của già hóa dân số để phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách, chương trình;

-Đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp và tăng cường vai trò của các Bộ, ngành, đoàn thể, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác trong bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi...

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/7-bai-hoc-cho-su-thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam-post49306.html