65 năm trước- Ngày về lịch sử!

'Với tất cả mọi người đó là Ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi thì đó là Ngày về lịch sử'- Đó là chia sẻ đầy xúc cảm của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308- đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô cách đây tròn 65 năm.

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sỹ Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân Tiên phong) về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Từ câu chuyện về Trung đoàn Liên khu 1...

Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó có những câu thôi thúc lòng người: ... "Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!Kháng chiến thắng lợi muôn năm"

Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, quân và dân Thủ đô chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, mỗi ngôi nhà là một chiến lũy, mỗi người dân là một chiến sỹ, quân và dân Thủ đô đã chiến đấu giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố.

Giữa cuộc chiến đấu ác liệt đó, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I chính thức thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn 301 cùng các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu 1 gồm khoảng 2.000 người…

Ngày 12/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô.

"Không có một tên nào oanh liệt hơn là tên Trung đoàn Thủ đô"

Sáng 14/1/1947, tại rạp Tố Như (phố Hàng Bạc), những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô, đeo khăn quàng đỏ, tượng trưng cho tinh thần quyết chiến thắng và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, tuyên thệ: "Chúng ta thề sống chết với thủ đô Hà Nội... Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất".

Trung đội trưởng Trần Xuân Thành, "Quyết tử quân" của Hà Nội chuẩn bị lao bom ba càng khi xe tăng địch tới - Ảnh tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam.

Và 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, những người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã sống, chiến đấu trọn vẹn với lời thề thiêng liêng ấy. Trong 60 ngày đêm, Trung đoàn Thủ đô đã bám trụ kìm chân địch, bảo vệ Hà Nội và hoàn thành cuộc rút lui an toàn ra vùng tự do với 1.200 người vượt vòng vây dày đặc của địch.

Bác Hồ đã gửi lời khen ngợi: "Các chú giữ được một tháng đã là thắng lợi mà kéo dài hai tháng là đại thắng lợi".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có thư động viên: "... Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của quân đội quốc gia Việt Nam. Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo toàn chủ lực... Trung đoàn Thủ đô đã làm cho Liên khu I ngày nay thành một Liên khu lịch sử. Ðặt tên cho Trung đoàn ấy không có một tên nào oanh liệt hơn là tên Trung đoàn Thủ đô".

Ngày về chiến thắng

Còn nhớ, trước khi rút khỏi Hà Nội, nhiều chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ngày ấy đã gửi lòng mình bằng những dòng chữ viết lên tường nhà: “Ra đi hẹn ngày về”, “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”…

Rồi cũng đã đến một ngày, những người lính Thủ đô đã có cơ hội hiện thực hóa lời ước hẹn vội vã ngày ấy.

Sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ Thành phố.

Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn.

Trước đó, theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội.

Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. 6 giờ sáng ngày 9/10/1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Đến 16 giờ ngày 09/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm.

Lính Pháp lên cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội. Ảnh: T.L

16giờ30 ngày 09/10/1954, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự.

Bộ đội ta hùng dũng tiến vào Hà Nội. Ảnh: T.L

Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực. Ảnh: T.L

Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ảnh: T.L

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô với cờ, hoa trong tay hân hoan xuống đường chào đón đoàn quân chiến thắng.

Nhân dân Hà Nội đón chào bộ đội ta về Hà Nội. Ảnh: T.L

Nhân dân Hà Nội đón chào bộ đội ta về Hà Nội. Ảnh: T.L

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hà Nội hòa cùng niềm vui của người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

Cả Hà Nội tràn ngập niềm vui giải phóng

Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Đúng như lời hẹn ước, ra đi là để trở về, "muôn dặm một nhà" "vui mừng khôn xiết".

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/65-nam-truoc-ngay-ve-lich-su-post69111.html