65% công nghệ của các doanh nghiệp Việt nhập từ các nước đang phát triển

Theo kết quả khảo sát mới đây, có tới 85% doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển để có các sản phẩm mới. Chỉ có gần 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị để triển khai nghiên cứu sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đến doanh nghiệp lại rất thấp, chỉ dưới 1%, là một sự lãng phí rất lớn, khi 99% còn lại đi đâu?

Đây là vấn đề được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại diễn đàn khoa học nhằm thúc đẩy và phát tiển thị trường KH&CN, do Bộ KH&CN phối hợp với VCCI tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.

Ông Vũ Tiến Lộc còn cho biết thực trạng về trình độ công nghệ, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam rất thấp. Có đến gần 60% doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo vẫn sử dụng công nghệ có tuổi đời trên 6 năm.

Công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm 65%), trong đó tới 26,6% công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ từ những nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, nhưng trên 18% là công nghệ trước năm 2005. Do đó, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Rất nhiều doanh nghiệp nhận thức được điều này nên tích cực triển khai đổi mới công nghệ và Bộ KH&CN đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu KH&CN để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, có một thực tế mà đại diện Bộ KH&CN và VCCI đều nhất trí là, mặc dù KH&CN rất quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội, nhưng ở Việt Nam, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vẫn chưa được coi trọng xứng tầm, nên “đích” đến của các nhà khoa học Việt Nam vẫn là … “ngăn kéo”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định ủng hộ quan điểm liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc liên kết và xúc tiến đóng vai trò quan trọng cho phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ.

Nhưng việc kết nối giữa các Viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp hiện còn hạn chế, trong khi các sàn giao dịch KH&CN chưa khẳng định được vai trò thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.

Chính vì thị trường KH&CN ở Việt Nam chưa phát triển nên các doanh nghiệp không dễ dàng tìm mua các công nghệ, bí quyết mà họ cần. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với các viện/trường, các nhà khoa học ở Việt Nam gần như chưa có.

Điều này dẫn đến nghịch lý là, mặc dù Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, nhiều người có tầm ảnh hưởng quốc tế, còn nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng tỉ lệ kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế lại rất thấp.

Các nhà sáng chế, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thị trường KH&CN

Tại diễn đàn, đại diện các nhà sáng chế, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh sử dụng KH&CN để tăng sức cạnh tranh. Ông Đoàn Quốc Long – Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương (Ngân hàng PNB Paribas) cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ 55/137 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh, mà điểm yếu nhất là công nghệ và quản trị. Điều này càng đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà kinh doanh và Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Hiệp –Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng chỉ ra: Khả năng ứng dụng của những dự án sử dụng tiền ngân sách Nhà nước thường hẹp hơn dự án sử dụng tiền của doanh nghiệp.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tập đoàn Kangaroo cho biết, công nghệ chính là nền móng để Kangaroo chinh phục thị trường với việc tìm kiếm các nhà khoa học, ứng dụng hàm lượng chất xám vào phục vụ các nhu cầu mà người dân cần, như vấn đề vô trùng, kháng khuẩn của máy lọc nước, hay tiết kiệm nước vv...

Ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN và EON Reality Inc

Với kinh nghiệm của nhà đầu tư quốc tế lớn, ông Steven Lau Key Heng - Chủ tịch Ibosses Singapore chia sẻ: Sự kết hợp giữa nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp là nền móng cho sự phát triển. Trong đó, nhà khoa học có trách nhiệm đưa ra ý tưởng, sản phẩm mới; Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đầu tư tiền; doanh nghiệp có trách nhiệm đưa nhanh sản phẩm ra thị trường và ra toàn cầu.

Đặc biệt, đánh giá cao sáng tạo của các nhà khoa học và các doanh nghiệp Việt Nam trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu, ông Steven Lau Key Heng khẳng định: “Singapore sẵn sàng đưa KH&CN của Việt Nam sang Singapore và ra thế giới.”

Để phát triển thị trường KH&CN, một số đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp cũng kiến nghị: Nhà nước cần có trang web giao dịch kết quả KH&CN; chợ điện tử quảng bá kết quả KH&CN; giảng viên có thể thành lập, điều hành doanh nghiệp KHCN; tạo điều kiện để các Viện/Trường triển khai thực nghiệm, áp dụng các kết quả nghiên cứu. Các doanh nghiệp cần triển khai sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao bằng cách ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; chủ động đầu tư KH&CN thông qua đặt hàng nghiên cứu đối với các cơ sở NCKH.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định Bộ KH&CN cùng với VCCI ủng hộ quan điểm cần liên kết mạnh mẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp với việc minh bạch quyền lợi trong quá trình thực hiện. Các nhà khoa học trong nước, Việt kiều được liên kết lại sẽ là nguồn lực to lớn của đất nước.

Thứ trưởng cũng cho biết tới đây, Trung tâm thực tế ảo ở Việt Nam sẽ được xây dựng, trở thành công cụ đào tạo hữu hiệu đa dạng các lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, bất động sản vv…nhằm phục vụ cộng đồng.

Tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) và EON Reality Inc- một dấu hiệu tích cực về phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/chi-1-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-duoc-chuyen-giao-giai-phap-nao-khac-phuc-lang-phi-chat-xam-508303/