65% cơ hội đầu tư đã được SCIC xem xét trong giai đoạn 2017-2018

Trong giai đoạn 2017 – 2018, SCIC thực hiện nghiên cứu 43 cơ hội đầu tư mới. Do chiến lược đầu tư của SCIC chưa được cấp có thẩm quyền thông qua, năm 2018 chưa có dự án được phê duyệt.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tính đến 31/12/2018, danh mục đầu tư hiện hữu của SCIC gồm 142 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 20.576 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 84.177 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước năm 2017 của SCIC mà Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành đã chỉ ra giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC còn thấp, vốn đầu tư được cất chủ yếu dưới tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.

Tại thời điểm ngày 31/12/2017, số dư tiền gửi có kỳ hạn của SCIC là 23.284 tỷ đồng, trong đó tiền gửi là 18.704 tỷ đồng, tiền gửi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 4.580 tỷ đồng. Năm 2017 lãi tiền gửi ngân hàng đã mang lại khoản doanh thu hoạt động tài chính 922,1 tỷ đồng.

SCIC giải trình về hoạt động đầu tư cho biết giai đoạn năm 2013-2015, theo kế hoạch hàng năm của SCIC được Hội đồng thành viên phê duyệt giá trị dự kiến giải ngân là 17.456 tỷ đồng tuy nhiên giá trị thực tế thực hiện giải ngân là 9.072 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2017, giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC là 9.313 tỷ đồng, tức là chỉ thực hiện được 31% kế hoạch.

Nguyên nhân là do các quy chế, quy trình đầu tư của SCIC đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi bổ sung nên việc áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, yêu cầu xem xét, đánh giá hiệu quả đối với từng dự án đầu tư cụ thể, thay vì đánh giá cả danh mục theo nguyên tắc thị trường.

Trong khi đó, các chủ trương mới liên quan đến mô hình BT, dự án theo PPC khác hay chính sách mới như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng tác động đến việc triển khai hoạt động đầu tư, khiến SCIC có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Hệ quả, năm 2018, định chế này chưa có dự án đầu tư tài chính nào được phê duyệt và giải ngân.

Dù vậy, trong giai đoạn 2017 – 2018, SCIC vẫn thực hiện nghiên cứu 43 cơ hội đầu tư mới (tương đương 65% trên tổng số cơ hội đầu tư được xem xét).

Cùng với đó, tỷ trọng tiền mặt sẵn sàng cho hoạt động đầu tư chỉ chiếm 9,9% giá trị tài sản ròng của SCIC, thấp hơn so với các mô hình quỹ đầu tư.

Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước, SCIC vẫn được đánh giá đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn trong năm 2017.

Với việc thị trường tài chính thế giới đầy bất ổn, VN-Index trong năm 2018 đã giảm 9,32%, còn HNX-Index cũng giảm 10,81%, sự thận trọng này nhiều khả năng tránh được việc thua lỗ.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/65-co-hoi-dau-tu-da-duoc-scic-xem-xet-trong-giai-doan-2017-2018-3486885.html