62 người chết và mất tích do mưa lũ, miền Trung lại sắp mưa lớn

Tính đến nay, mưa lũ khu vực miền Trung đã gây thiệt hại nặng về người và của. Theo báo cáo, số người thiệt mạng là 55 người, 7 người vẫn mất tích, hàng nghìn ha hoa màu, thủy sản bị thiệt hại....

Tại cuộc họp bàn các phương án ứng phó với ATNĐ, mưa lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa diễn ra sáng 16/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Năm nay thiên tai vô cùng phức tạp, đặc biệt dị thường, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn giữ được cục diện các hồ an toàn. Sự cố thủy điện Rào Trăng 3 là do gặp sự cố lúc thi công chứ không ở giai đoạn vận hành. Tuy nhiên, không được chủ quan với việc vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa”.

Theo ông Cường, tâm điểm gây mưa lớn sắp tới ở Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ trong hoàn cảnh các hồ đang đầy ắp nước, dấu hiệu mưa chưa giảm nên hết sức chú ý.

Khu vực phía Bắc, nếu chú ý làm tốt thì sẽ đạt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn hồ dập vừa tích nước dự trữ đủ cho mùa khô phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.

Khu vực Bắc miền Trung, tất cả hồ nhỏ cơ bản đầy nước, hồ lớn còn công năng tích, hết sức chú ý vì những hồ lớn nằm trong lõi mưa rất lớn sắp tới vì vậy không được chủ quan.

Cuộc họp bàn các phương án ứng phó với ATNĐ, mưa lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa.

Cuộc họp bàn các phương án ứng phó với ATNĐ, mưa lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa.

“Cần chú ý những hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không chủ quan. Bài học 2016 lũ chồng lũ đến tận 31/12. Vì vậy cần tuân thủ tuyệt đối theo công điện của Thủ tướng. Bộ NN-PTNT cử các đoàn kiểm tra xuống các địa bàn để chỉ đạo, khắc phục, ứng phó. Thực hiện an toàn vận hành liên hồ chứa, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo tài nguyên nước để phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế...” - ông Cường nhấn mạnh.

Dự báo, từ ngày 16-21/10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ nay đến 21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500-800mm, có nơi trên 900mm. Giai đoạn mưa lớn nhất: 17-19/10; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm; ở các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm.

Trong khi đó, từ ngày 16/10 đến ngày 19/10 ở Tây Nguyên cũng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Mưa với cường độ lớn khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tăng cao ở vùng núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, trong 24h tới các khu vực có nguy cơ cao là các tỉnh Thanh Hóa tới Quảng Bình. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở những khu vực này.

Thời tiết ở Huế từ hôm nay mưa tăng trở lại, kéo dài nhiều ngày. Tổng lượng mưa từ nay đến 21/10 có thể đạt 200-300mm. Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Chưa thấy dấu hiệu hết hẳn mưa ở khu vực Trung trung bộ trong thời gian tới vì đến ngày 22/10 lại có mưa trở lại do ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc.

Ảnh minh họa.

Nhiều thiệt hại nặng nề

Thông tin cập nhật từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đã có 55 người chết (tăng 15 người so với báo cáo 15/10), trong đó: Quảng Bình 02, Quảng Trị 13 (tăng 01 người trên tàu Vietship 01 bị thương đã không qua khỏi), Thừa Thiên Huế 22 (tăng 14 người do mất tích đã tìm thấy thi thể, trong đó có 13 thi thể ở Tiểu khu 67), Quảng Nam 09, Đà Nẵng 03, Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02.

Số người mất tích là 07 người (giảm 01 người so với báo cáo ngày 15/10 do đã tìm thấy thi thể ở tỉnh Thừa Thiên Huế), gồm: Quảng Trị 03, Đà Nẵng 01, Quảng Nam 02, Gia Lai 01.

Về nhà ở: 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng (tăng 64 nhà so với báo cáo ngày 15/10).

Về giao thông: 168 điểm Quốc lộ, 33.639m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Về nông nghiệp: 900ha lúa, 5.514ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về tàu thuyền: 06 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 07 người bị chết, mất tích; 04 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7: khiến 01 người mất tích (ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối). Về nhà ở: 01 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng. Về nông nghiệp: 870 ha lúa giảm năng suất, 105 ha cây rau màu bị thiệt hại (Nam Định).

Về sự cố đê điều: tỉnh Nam Định xảy ra sự cố sạt mái kè Hải Thịnh 3, đê biển Hải Hậu với diện tích các hố sạt 278m2 (tại K25+320 và K25+770).

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị tiếp tục thực hiện các Công điện của Thủ Tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong đó tập trung tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết, mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói; vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung theo đề nghị của Ban Chỉ đạo TW PCTT tại văn bản số 145/TWPCTT ngày 14/10/2020.
Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hồng, sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn;
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, ATNĐ trên biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
Tiếp tục rà soát đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong đợt mưa lũ. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh ATNĐ và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, neo đậu nơi cửa sông khi có lũ.
Kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét kể cả các khu đô thị để chủ động di dời đến nơi an toàn. Kiểm tra chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó với mưa, lũ lớn tại các khu vực Trung Trung Bộ, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua...

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/55-nguoi-chet-do-mua-lu-van-con-7-nguoi-mat-tich-n181526.html