'61% nữ sinh bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân'

Theo TS Trần Thành Nam, trong số 572 học sinh, sinh viên tham gia khảo sát, 61% bạn nữ cho biết họ bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân. Tình trạng 'sexting' có xu hướng gia tăng.

Bằng phương pháp nghiên cứu lát cắt dọc, tiến hành với 572 học sinh THCS đến từ trường Ngọc Thụy, Ái Mộ, Bế Văn Đàn (Hà Nội) và 385 sinh viên ĐH Thăng Long, ĐH Mỹ Thuật, ĐH Kinh doanh và Công Nghệ, nhóm nghiên cứu của TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra những nhận định về "sexting" của giới trẻ.

Ông Nam cho biết "sexting" là thuật ngữ mới, ghép các từ “sex” và “texting”. Nói cách khác, "sexting" là hành vi gửi, nhận hoặc chuyển tiếp những tin nhắn có nội dung gợi tình, gồm cả ảnh khỏa thân, bán khỏa thân và các tư thế bất nhã khác, qua các thiết bị điện tử, chủ yếu là điện thoại. Theo ngôn ngữ của giới trẻ, những hình ảnh này được gọi chung là “show hàng” hoặc “ảnh nóng”.

 Theo TS Trần Thành Nam, hành vi gửi, phát tán ảnh gợi tình, khỏa thân có dấu hiệu gia tăng trong giới trẻ. Ảnh minh họa: ABC Sevilla.

Theo TS Trần Thành Nam, hành vi gửi, phát tán ảnh gợi tình, khỏa thân có dấu hiệu gia tăng trong giới trẻ. Ảnh minh họa: ABC Sevilla.

Muốn tự tử vì "sexting"

Là người có nhiều năm tham gia trị liệu tâm lý cho học sinh, sinh viên, TS Trần Thành Nam chia sẻ ông từng gặp và tư vấn cho nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử, hủy hoại bản thân, bắt nguồn từ những hành động "sexting".

"Có trường hợp học sinh được gia đình đưa đến trị liệu tâm lý vì hành động tự cắt vào tay mình. Gia đình cứ nghĩ em trầm cảm, áp lực học tập nhưng nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ các mối quan hệ với người yêu. Người yêu lợi dụng, ép chụp ảnh khỏa thân, ảnh quan hệ với nhau, gây áp lực, thậm chí cưỡng bức trong các mối quan hệ khiến em bị trầm cảm. Ngoài ra, không ít trường hợp có ý định tự sát vì lộ ảnh nhạy cảm trên mạng hoặc bị chính người yêu dùng những hình ảnh đó để tống tiền", TS Nam kể.

Theo nghiên cứu, "sexting" có thể gây ra nhiều hậu quả, bao gồm nguy cơ phát tán ảnh bất nhã đến người khác một cách mất kiểm soát; vướng lao lý nếu phát tán hình ảnh đồi trụy hoặc của trẻ nhỏ dưới ngưỡng mà luật pháp cho phép, tổn thương sức khỏe tâm thần và nguy cơ xuất hiện các hành vi lệch chuẩn khác.

Tổng hợp từ nghiên cứu của mình và nhiều nghiên cứu khác, TS Nam cho biết trẻ vị thành niên (từ 10-18 tuổi) nhận và gửi các tin nhắn chữ, hình ảnh, phim có nội dung gợi cảm, trung bình khoảng 15,64%.

Số liệu cho thấy nữ là người gửi nhiều hơn, nam nhận nhiều hơn, người đồng giới gửi và nhận nhiều hơn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra những người càng "sexting" nhiều càng thoải mái trong các mối quan hệ tình dục, có xu hướng tình dục không an toàn và tìm kiếm cảm giác mạnh trong mối quan hệ tình dục.

Những người bị lạm dụng tình dục thời nhỏ thường có xu hướng "sexting" nhiều hơn. Bản thân người có hành vi này thường có nhiều suy nghĩ về tự sát và định tự sát, có cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng khoảng 3-4 tuần trong năm trước đó.

"Theo những gì tôi biết, tỷ lệ bạn trẻ thực hiện hành vi này còn lớn hơn thế rất nhiều và vấn đề này đang ngày càng phổ biến. Nhưng khi được hỏi, rất hiếm khi bạn trẻ trả lời đúng về hành vi hoặc suy nghĩ của bản thân về 'sexting'. Tại Việt Nam, các nghiên cứu, khảo sát về hành vi này cũng rất hạn chế", giảng viên ĐH Giáo dục nói.

Có nhận thức về hậu quả nhưng vẫn làm

Cũng theo kết quả nghiên cứu, những người từng "sexting" có thái độ rất tích cực về hành vi này. Họ bao biện rằng "nó vui, chẳng làm sao cả, việc này là lựa chọn riêng của mỗi cá nhân". Số khác quan niệm: Yêu nhau, tạo cảm hứng cho nhau là một phần tất yếu của mối quan hệ; hoặc khi yêu thì phải thoáng, hết mình.

70% học sinh, sinh viên tham gia cuộc khảo sát nói rằng "sexting" là hành vi thiếu an toàn, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như bị bắt nạt, lạm dụng tình dục trên mạng, dính líu pháp luật hoặc hình ảnh xấu sẽ bị truyền đi một cách không mong muốn. Nhưng 75% các bạn trẻ tin rằng xác suất để bị dính vào các sự kiện không may này rất thấp và hậu quả nếu có cũng không nghiêm trọng lắm (71%).

Trước khi cho con điện thoại hãy thảo luận về các nguy cơ, trong đó có "sexting", vì những thông tin đã lên mạng sẽ ở luôn đó. Cha mẹ cũng cần giáo dục về thái độ, cũng như chuẩn mực hành vi của con cái với các hiện tượng này.

TS Trần Thành Nam

55% những người nhận được hình ảnh "sexting" đã chuyển tiếp cho những người khác. Việc lan truyền những hình ảnh này còn tùy thuộc tính chất mối quan hệ. 54,7% sinh viên cảm thấy những hình ảnh bất nhã không nhất thiết chỉ là bí mật riêng của người gửi và nhận.

Mặc khác, khi họ xác định quan hệ nghiêm túc, lâu dài, chỉ có 3% nói thực hiện hành vi "sexting". Nếu là quan hệ không nghiêm túc, chỉ mang tính cho vui, 15% thực hiện hành vi này. Con số đó ở nhóm xác định "quan hệ qua đường" là 21%.

Khi được hỏi về động cơ thực hiện hành vi "sexting", 85% người tham gia khảo sát trả lời rằng muốn trở nên sexy, hấp dẫn bạn tình. Tiếp đến là các lý do muốn có được sự chú ý từ bạn tình (80%); một cách đùa vui để làm bạn khó xử (65%); bị bạn tình yêu cầu và tạo áp lực (30%); đó là cách thức tôi thể hiện bản thân mình (30%); hoặc do chán chẳng có gì làm (30%).

61% bạn nữ tham gia cuộc khảo sát nói từng ít nhất chịu áp lực của người khác bắt phải gửi ảnh khỏa thân của mình.

Theo khảo sát của TS Trần Thành Nam với hơn 500 học sinh, sinh viên, 61% nữ sinh cho biết bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Giáo dục là biện pháp khả quan nhất

Theo TS Nam, các bậc cha mẹ cần ý thức được mức độ phổ biến của hành vi "sexting" và có hướng dẫn, quản lý con cái trong việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội trên Internet.

"Trước khi cho con điện thoại hãy thảo luận về các nguy cơ, trong đó có 'sexting', vì những thông tin đã lên mạng sẽ ở luôn đó. Cha mẹ cũng cần giáo dục về thái độ, cũng như chuẩn mực hành vi của con cái với các hiện tượng này, vì đây là những yếu tố quan trọng dự báo hành vi 'sexting' trong tương lai", TS Nam khuyên.

Cha mẹ nên dạy con xóa ngay lập tực bất kỳ hình ảnh khỏa thân nào mà mình nhận được và báo cho phụ huynh. Dành thời gian trao đổi, sử dụng những tình huống giả định hoặc câu chuyện trên truyền thông để dạy con cách xử lý.

Về phía nhà trường, giảng viên ĐH Giáo dục cho rằng cần tích hợp nội dung này đưa vào các chương trình giáo dục trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng ngừa nguy cơ khi sử dụng điện thoại máy tính và tham gia mạng xã hội.

"Chúng ta có đưa vấn đề an toàn mạng vào giáo dục kỹ năng cho học sinh nhưng tôi thấy đa số trường dừng lại ở việc dạy các em tránh bắt nạt trên mạng, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách bổ ích, chứ chưa đề cập, nhấn mạnh vấn đề 'sexting'. Tôi nghĩ 'sexting' cần được hiểu và định nghĩa như một dạng quấy rối tình dục, vì có những người luôn luôn gửi ảnh khỏa thân của mình cho người khác, cưỡng ép người ta phải xem", TS Nam nhận định.

Ông cũng đề nghị các cấp quản lý cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn pháp quy bảo vệ nguy cơ bị xâm hại trên mạng, cũng như việc phát tán hình ảnh, video riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/61-nu-sinh-bi-gay-ap-luc-phai-gui-anh-khoa-than-post1096595.html