600 sự việc công chứng giả, hệ lụy ra sao?

Thông tin một văn phòng công chứng với khoảng 600 vụ việc đã thực hiện được phát hiện là giả mạo đã gây rúng động dư luận.

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc này, đặc biệt là hệ lụy phát sinh từ những vụ việc công chứng giả đã hoàn thành sẽ giải quyết ra sao...

Như Thanh Niên đã thông tin, qua nguồn tin của người dân, Sở Tư pháp TP.HCM kiểm tra, phát hiện văn phòng công chứng (VPCC) giả mang tên Sao Bắc Đẩu tại địa chỉ 229 Man Thiện, P.Hiệp Phú (Q.9, TP.HCM). Tới thời điểm bị phát hiện, VPCC này đã có hành vi làm giả và sử dụng con dấu của VPCC Q.12, công chứng viên Nguyễn Thế Thành thực hiện công chứng, chứng thực khoảng 600 vụ việc. Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có sử dụng các giấy tờ trên thì phối hợp thông tin để làm rõ.

Giao dịch nào vô hiệu

Việc Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có sử dụng các giấy tờ trên thì phối hợp thông tin để làm rõ cho thấy, nhiều khả năng các vụ việc được công chứng tại VPCC giả này đã giao dịch trên thị trường. Trong những trường hợp này, hệ quả phát sinh sẽ được giải quyết ra sao?

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Thanh Thảo (Đoàn LS TP.HCM), các giao dịch liên quan đến khoảng 600 sự việc được công chứng, chứng thực giả này nếu hiểu một cách đơn giản là không có giá trị pháp lý nên vô hiệu. “Nhưng có hai vấn đề, rằng nó đương nhiên vô hiệu hay phải qua tòa giải quyết. Hoặc khi phát hiện ra các giao dịch phát sinh được thực hiện từ hợp đồng được công chứng giả nhưng muốn tiếp tục thực hiện thì phải giải quyết như thế nào thì luật lại chưa dự liệu được để đưa ra hướng giải quyết”, LS Thảo nói.

600 sự việc được công chứng, chứng thực thì không thể làm trong ngày một, ngày hai. Thời gian này, chính quyền địa phương ở đâu

LS Hoàng Hải Hà, Đoàn LS TP.Hà Nội

Trong khi đó, LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng dù luật chưa dự liệu trường hợp cụ thể này nhưng điều 45 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép áp dụng tương tự pháp luật. Vì vậy, những giao dịch liên quan đến tài liệu giả này đều bị vô hiệu theo điều 122 bộ luật Dân sự năm 2015, do không tuân thủ về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo điều 117 bộ luật Dân sự, rằng vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ông Quách Hữu Thái, TAND Q.2 (TP.HCM), nhận định việc công chứng, chứng thực tại VPCC giả đương nhiên không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, cần xét từng tính chất của hợp đồng để giải quyết hậu quả. “Ví dụ hợp đồng vay không cần phải công chứng, chứng thực thì bản hợp đồng này vẫn có giá trị. Còn công chứng về giao dịch mua bán nhà đất, thừa kế... loại hình bắt buộc phải công chứng thì những giao dịch liên quan không có giá trị. Khi đó, nếu các bên không có tranh chấp thì có thể ra một VPCC khác lập lại hợp đồng và nêu rõ, hợp đồng trước đó được công chứng, chứng thực tại VPCC Sao Bắc Đẩu không có giá trị. Trường hợp có tranh chấp thì buộc các bên phải ra tòa, khi đó hợp đồng buộc tuyên vô hiệu và bên gây thiệt hại là VPCC giả phải bồi thường thiệt hại phát sinh”, ông Thái chia sẻ.

Những cơ quan nào chịu trách nhiệm ?

Liên quan đến VPCC giả nói trên, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng VPCC Q.12, khẳng định VPCC Q.12 chỉ có trụ sở duy nhất đang hoạt động tại 122 Tô Ký, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM). Ngoài ra, ông Vũ cho hay điều 7 luật Công chứng 2014 nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, vì vậy không có chuyện VPCC Q.12 mở thêm chi nhánh tại Q.9.

Về công chứng viên tên Nguyễn Thế Thành, tham gia ký tên trong các hợp đồng của VPCC Sao Bắc Đẩu và sử dụng con dấu VPCC Q.12 giả, ông Vũ cũng khẳng định VPCC Q.12 không có công chứng viên nào tên Nguyễn Thế Thành. Ngoài ra, đại diện Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM cho hay trong danh sách các công chứng viên đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp TP, không có cá nhân nào tên Nguyễn Thế Thành và hiện Công an Q.9 cũng đang làm rõ về mối liên hệ giữa cái tên Nguyễn Thế Thành này và VPCC giả Sao Bắc Đẩu.

Việc làm giả đã được khẳng định. Song câu hỏi đặt ra là để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về những cơ quan nào? Theo LS Hoàng Hải Hà (Đoàn LS TP.Hà Nội), Sở Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực công chứng. Nhưng trong chuyện này, cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND/công an quận, phường khi để một doanh nghiệp “lụi” mọc trên địa bàn trong khoảng thời gian dài. “600 sự việc được công chứng, chứng thực thì không thể làm trong ngày một, ngày hai. Thời gian này, chính quyền địa phương ở đâu, bởi Thanh tra Sở Tư pháp xác minh, kiểm tra sự việc thông qua nguồn tin của một người dân chứ không từ chính quyền”, LS Hà nhấn mạnh.

Phân biệt VPCC thật - giả

Ông Trần Quốc Phòng, Trưởng VPCC Trần Quốc Phòng (trước đây là VPCC Gia Định), cho biết trước đây khi luật Công chứng năm 2014 chưa có hiệu lực (luật có hiệu lực từ 1.1.2015) thì tên gọi của VPCC được quyền đặt theo địa hạt nơi đặt trụ sở VPCC hay tên địa danh. Tuy nhiên, kể từ 1.1.2015, khi thành lập VPCC phải căn cứ vào điều 22 luật Công chứng để đặt tên.

“Tên gọi của VPCC phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trường hợp khi thay đổi trụ sở, địa chỉ của VPCC thì tên của VPCC phải thay đổi theo luật Công chứng mới", ông Phòng nói và cho rằng quy định về cách đặt tên của các tổ chức hành nghề công chứng là cách nhận diện khá đơn giản của một VPCC. Tuy nhiên, đối với trường hợp VPCC Sao Bắc Đẩu, do bảng hiệu ở ngoài ghi là Công ty TNHH kế toán, kiểm toán Sao Bắc Đẩu nên có thể đã qua mặt được chính quyền địa phương.

Phan Thương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/600-su-viec-cong-chung-gia-he-luy-ra-sao-1008783.html