60 ngày trước bầu cử: Hiểu về cuộc chạy đua ghế Tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, do viễn cảnh mà hai ứng cử viên đặt ra cho Mỹ và thế giới hoàn toàn trái ngược nhau, với những sự kiện chưa có tiền lệ.
Lời tòa soạn: Chưa đầy 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định bầu ai trở thành Tổng thống tiếp theo. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ trong thời điểm đầy căng thẳng trước bầu cử. Với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, VietNamNet xin giới thiệu với độc giả “cẩm nang” 5 bài viết để hiểu về những diễn biến chính trị tại Mỹ hướng tới cuộc bầu cử này.
Phần 1: Bầu cử Mỹ sẽ diễn ra như thế nào?
Cuộc bầu cử quan trọng nhất năm 2024?
Chỉ còn gần bốn tháng nữa là kết thúc năm 2024, một năm đầy kịch tính với các cuộc bầu cử diễn ra khắp nơi trên thế giới. Từ cuộc bầu cử lớn nhất thế giới tại Ấn Độ đến những cuộc cạnh tranh giành lá phiếu có ảnh hưởng địa chính trị sâu rộng tại Indonesia, Pháp, Anh. Chúng ta đã chứng kiến những khoảnh khắc đầy cảm xúc, căng thẳng, và chia rẽ tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức bầu cử. Hơn một nửa dân số thế giới – tương đương với khoảng 4 tỷ cử tri – đã và sẽ đủ điều kiện bỏ phiếu trong năm nay.
Giờ đây, mọi con mắt đang hướng tới đỉnh điểm của năm bầu cử đầy kịch tính này, khi vào tháng 11, hơn 244 triệu cử tri Mỹ sẽ đủ điều kiện để bỏ phiếu và bầu ra ai sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo. Không chỉ vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ diễn ra đồng thời với các cuộc bầu cử cho 1/3 số ghế Thượng viện, toàn bộ Hạ viện, cùng với các cuộc bầu cử tại cấp địa phương và tiểu bang. Những quyết định của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử này không chỉ định đoạt đường lối chính trị của quốc gia, mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu khi Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức sâu rộng về kinh tế, an ninh, môi trường, và cạnh tranh cường quốc.
Giống với hai cuộc bầu cử trước, nhiều nhà quan sát Mỹ cho rằng đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước, do viễn cảnh mà hai ứng cử viên đặt ra cho Mỹ và thế giới hoàn toàn trái ngược với nhau – thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Mỹ. Không chỉ vậy, các diễn biến gần đây trong cuộc tranh cử Tổng thống gần như không có tiền lệ trong lịch sử Mỹ, khi cựu Tổng thống Trump sống sót sau vụ ám sát hụt và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden rút lui vào phút chót, tạo nên một cuộc đua đầy kịch tính giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris trong tháng 11 này.
Những ứng cử viên là ai?
Donald Trump sinh ngày 14/6 năm 1946 tại Queens, New York, là một nhân vật được biết đến lâu nay trong xã hội Mỹ, ngay cả trước khi ông bước chân vào chính trị do tính cách sôi động, cùng với các hoạt động kinh doanh bất động sản và truyền thông. Là con trai của Fred Trump, một nhà phát triển bất động sản, từ nhỏ ông đã thừa hưởng tinh thần kinh doanh từ gia đình. Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania danh giá, ông tham gia vào công việc gia đình và mở rộng đề chế kinh doanh qua nhiều dự án nổi tiếng như Trump Tower ở New York và các khách sạn, sòng bạc, và sân golf mang thuơng hiệu Trump khắp nước Mỹ.
Năm 2016, Trump làm nên lịch sử sau khi lội ngược dòng để đánh bại Hillary Clinton và trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ nắm giữ chức vụ này mà chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trong bộ máy nhà nước. Trong suốt nhiệm kỳ, ông đã giới thiệu một loạt chính sách dựa trên phương châm “Nước Mỹ trên hết” (America First), tập trung vào việc chống lại quá trình toàn cầu hóa để bảo vệ lợi ích của Mỹ, thắt chặt biên giới, và đàm phán lại các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, ông Trump cũng phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra và lời chỉ trích từ giới tinh hoa chính trị Mỹ trong suốt bốn năm đó, bao gồm hai lần bị luận tội nhưng không bị kết án.
Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 đánh dấu sự trở lại của Trump sau khi thất bại trước Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, một cuộc bầu cử mà ông liên tục khẳng định là có gian lận. Ông Trump tiếp tục thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ một nhóm cử tri trung thành của Đảng Cộng hòa, chiếm ít nhất 1/3 dân số Mỹ và tập trung ở các bang phía Nam và Trung Tây. Tuy nhiên, Trump đang phải đối mặt với một loạt vấn đề pháp lý trong cuộc đua lần này, bao gồm các vụ kiện tụng và cáo buộc hình sự, nhưng ông vẫn đang chiến đấu để giành lại Nhà Trắng.
Kamala Harris sinh ngày 20/10 năm 1964 tại Oakland, California, trong một gia đình đa văn hóa. Mẹ của bà là Syamala Gopalan, một nhà nghiên cứu ung thư từ Ấn Độ, và cha bà, Donald Harris, là một nhà kinh tế học người Jamaica. Lớn lên trong khu vực vịnh San Francisco, thành trì của Đảng Dân chủ và là nơi phong trào LGBT khởi nguồn, bà Harris thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề xã hội và chính trị ngay từ khi còn nhỏ. Bà tốt nghiệp Đại học Howard, một trong những trường đại học có truyền thống dành cho người da màu, và sau đó nhận bằng luật từ Trường Hastings thuộc Đại học California.
Harris bắt đầu sự nghiệp pháp lý của mình với vai trò công tố viên, sau đó trở thành Tổng chưởng lý California vào năm 2011, nơi bà nhận được cả những lời khen ngợi và chỉ trích qua những chính sách nghiêm khắc về tội phạm. Năm 2017, bà được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ, đại diện cho California, và nhanh chóng trở thành một trong những tiếng nói hàng đầu của Đảng Dân chủ về các vấn đề như quyền bầu cử, chăm sóc sức khỏe, và cải cách hệ thống tư pháp hình sự.
Năm 2020, Harris được chọn làm ứng cử viên Phó Tổng thống của Joe Biden và trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Phi và gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này. Là Phó Tổng thống, bà cũng nắm giữ chức Chủ tịch Thượng viện, và chủ trì một Thượng viện chia đều số ghế trong hai năm đầu - cả hai Đảng đều nắm giữ 50 ghế. Do vậy, bà đã bỏ nhiều phiếu quyết định hơn bất kỳ Phó tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ, giúp thông qua các dự luật và gói kích thích phục hồi kinh tế như Đạo luật Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021 và Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022.
Sau khi Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào năm 2024, Harris đã nhanh chóng được Đảng Dân chủ ủng hộ và trở thành ứng cử viên Tổng thống. Chiến dịch của Harris tập trung vào việc tiếp tục triển khai những chính sách được Tổng thống Biden giới thiệu, với tầm nhìn cho nước Mỹ gần như không khác gì bức tranh Biden đã vẽ lên trong cuộc tranh cử năm 2020.
Bầu cử Tổng thống Mỹ hoạt động như thế nào?
Không giống như các cuộc bầu cử khác, trong đó cử tri chọn trực tiếp người chiến thắng, hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ sử dụng một cơ chế gián tiếp thông qua Đại cử tri đoàn (Electoral College). Đây là một hệ thống độc nhất vô nhị trên thế giới, được thiết kế bởi các nhà lập quốc Mỹ nhằm tạo ra sự cân bằng giữa quyền lực của các bang lớn và nhỏ, cũng như là phân quyền của chính phủ liên bang và chính quyền bang.
Đại cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri, tương đương với tổng số ghế trong Quốc hội Mỹ - 435 ghế Hạ viện, 100 ghế Thượng viện, cùng với 3 phiếu đại diện cho Washington D.C. Mỗi tiểu bang có số phiếu đại cử tri dựa trên số ghế Hạ viện và Thượng viện của bang đó. Ví dụ, California, bang đông dân nhất, có 55 phiếu đại cử tri, trong khi các bang nhỏ như Wyoming chỉ có 3 phiếu. Mặc dù các bang đông dân nhất vẫn sẽ có quyền lực mạnh nhất, hệ thống này đảm bảo mỗi bang sẽ có ít nhất 3 phiếu, tương đương với 2 thượng nghị sĩ và tối thiểu là 1 hạ nghị sĩ được phân bổ cho từng bang. Các ứng cử viên Tổng thống cần giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng cuộc bầu cử.
Hầu hết các bang sử dụng nguyên tắc “được ăn cả” (winner-takes-all), nghĩa là ứng cử viên nào giành được nhiều số phiếu phổ thông nhất trong bang sẽ giành được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó. Ví dụ, khi Trump thắng Florida vào năm 2016, chỉ 49% cử tri tại đây bầu ông làm Tổng thống so với 47.8% bà Hillary Clinton nhận được, nhưng Trump đã lấy được toàn bộ 29 phiếu đại cử tri của bang này. Tuy nhiên, hai bang Maine và Nebraska, sử dụng một hệ thống phân chia công bằng hơn, trong đó phiếu đại cử tri được phân phối cho các ứng cử viên dựa trên kết quả của từng khu vực bầu cử trong bang. Ví dụ, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, Maine được phân bổ 4 phiếu đại cử tri. Tổng thống Biden nhận được 53% số phiếu của Maine, nhưng do Trump thắng một khu vực bầu cử, ông có được 1 phiếu đại cử tri và Biden nhận 3 phiếu còn lại.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có nhiều ảnh hưởng đến đường lối chính trị quốc gia do nó không diễn ra độc lập, mà cùng thời điểm với các cuộc bầu cử khác tại nhiều cấp độ - liên bang, tiểu bang, và địa phương. Như nói trên, Thượng viện Mỹ có 100 ghế, và mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, không phải tất cả số ghế được bầu lại trong cùng một năm. Thay vào đó, nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ Mỹ kéo dài 6 năm và được tổ chức bầu lại theo chu kỳ 2 năm một lần, với mỗi lần chỉ bầu lại 1/3 số ghế dựa trên nhiệm kỳ, nhằm đảm bảo tính ổn định của cơ quan lập pháp này. Ngược lại, Hạ viện có 435 ghế, và toàn bộ số ghế được bầu lại mỗi hai năm, tạo cơ hội cho cử tri phản ánh quan điểm chính trị liên tục thay đổi tại Mỹ trong một cơ quan lập pháp cấp liên bang. Ngoài các cuộc bầu cử liên bang, cử tri cũng bầu chọn các vị trí tại cấp tiểu bang và địa phương, bao gồm các chức vụ như thống đốc, thị trưởng, và các nghị sĩ của quốc hội tiểu bang.
Hai yếu tố định đoạt kết quả: các tiểu bang dao động và nhóm cử tri trung dung
Trong mỗi cuộc bầu cử Tổng thống, có một số bang không thuộc sự kiểm soát rõ ràng của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, được gọi là các tiểu bang dao động (swing state). Hệ thống Mỹ khác với nhiều hệ thống phương Tây khác là chỉ có hai đảng chính, nên những bang này có thể “dao động” về bất kỳ bên nào tùy thuộc vào bối cảnh chính trị từng thời điểm và chiến lược tranh cử của từng ứng cử viên. Vì vậy, trên thực chất, quyền lực của cử tri tại những tiểu bang dao động lớn hơn nhiều so với các bang lớn như California, nơi ngay cả khi ai đó chọn Trump, đại đa số của bang vẫn sẽ bầu cho Harris do lịch sử gắn kết của bang với Đảng Dân chủ, hay Texas, nơi mà điều này ngược lại với sự ủng hộ cho Đảng Cộng hòa.
Các tờ báo chính của Mỹ đã dự đoán rằng các tiểu bang dao động quan trọng nhất sẽ bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, và Wisconsin. Những tiểu bang này, nơi Tổng thống Biden đã giành chiến thắng sát nút vào năm 2020, dự kiến sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa ông Trump và bà Harris. Kết quả ở những chiến trường dao động sẽ quyết định ai là người tiếp theo vào Nhà Trắng, và vì vậy, phần lớn nguồn lực tranh cử sẽ tập trung vào các tiểu bang này, biến chúng thành trọng tâm chính của các nỗ lực vận động tranh cử.
Ví dụ, kể từ 2008, ứng cử viên nào giành chiến thắng tại Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri đã trở thành Tổng thống Mỹ. Năm 2016, mức độ khác biệt giữa tổng số phiếu dành cho ông Trump và bà Clinton ít hơn 50,000 phiếu bầu, và vào năm 2020 sự khác biệt giữa Trump và Biden cũng chỉ hơn 80,000 lá phiếu. Arizona và Georgia, từng được coi là thành trì của Đảng Cộng hòa, đã chuyển sang ủng hộ Đảng Dân chủ trong năm 2020 sau khi chứng kiến những thay đổi đáng chú ý – Arizona ngày càng có nhiều người nhập cư từ Nam Mỹ, và số cử tri da đen bỏ phiếu tại Georgia lớn hơn bao giờ hết.
Ngoài các tiểu bang dao động, nhóm cử tri nằm ở giữa phổ chính trị mà không gắn bó với Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 hơn bao giờ hết. Nhóm cử tri này, đại diện cho khoảng 30% người Mỹ, còn được biết đến với những cái tên như “nhóm đại cử tri trung dung”, “cử tri dao động” (swing voter), hay một khái niệm thường xuyên được Trump sử dụng – “đa số im lặng” (silent majority).
Mặc dù chính trị Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc trong những năm gần đây, 2024 sẽ là lần đầu tiên hai đảng truyền thống từ bỏ truyền thống đề cử những cá nhân nằm ở giữa phổ chính trị, với khả năng giành được phiếu bầu của nhóm cử tri trung dung. Đối với nhóm cử tri này, Donald Trump của Đảng Cộng hòa được coi là cực hữu, trong khi Kamala Harris của Đảng Dân chủ sẽ được coi là quá cực tả - bất chấp những lời trấn an đến từ cả hai bên rằng ứng cử viên đều sẽ khoan dung trong quan điểm chính trị của họ hơn nếu thắng cử. Dữ liệu cho thấy rằng nhóm cử tri trung dung này đang trẻ và đa dạng về sắc tộc, hoàn cảnh kinh tế, và giai cấp xã hội hơn so với nhóm cử tri ở bên phe Cộng hòa hay Dân chủ, và sẽ có rất nhiều cử tri trong nhóm này đi bỏ phiếu lần đầu hoặc không thường xuyên bỏ phiếu.
Ngoài các tiểu bang dao động, nhóm cử tri nằm ở giữa phổ chính trị mà không gắn bó với Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 hơn bao giờ hết. Nhóm cử tri này, đại diện cho khoảng 30% người Mỹ, còn được biết đến với những cái tên như “nhóm đại cử tri trung dung”, “cử tri dao động” (swing voter), hay một khái niệm thường xuyên được Trump sử dụng – “đa số im lặng” (silent majority).
Nhóm cử tri này có mặt tại mọi nơi trên nước Mỹ, từ những bang Dân chủ nhất như California đến những thành trì Cộng hòa ở phía Nam, nhưng do cơ cấu hệ thống bầu cử Mỹ, những cử tri trung dung có quyền lực lớn nhất sẽ nằm ở các tiểu bang dao động. Đây sẽ là những nơi lá phiếu của họ thực sự có ý nghĩa, do chỉ cần 1-2% nhóm này ngả sang Trump hay Harris thì ứng cử viên đó sẽ giành toàn bộ phiếu đại cử tri đoàn của các bang này. Chính vì vậy, những nỗ lực tranh cử khốc liệt của cả hai ứng cử viên đều đang diễn ra tại những tiểu bang dao động, và những lời hứa của họ sẽ nhắm vào nhóm cử tri trung dung.
Quyết định chọn ứng cử viên Phó Tổng thống
Một ví dụ tốt cho ảnh hưởng của các tiểu bang dao động và nhóm cử tri trung dung có thể thấy trong quyết định chọn ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Trump và bà Harris. Khi Trump chọn JD Vance, ông hiểu rằng quyết định này sẽ thu hút rất nhiều cử tri tại Trung Tây Mỹ (Midwest), nơi có các tiểu bang dao động quan trọng như Michigan, Minnesota, và Pennsylvania. Đây cũng là những bang nằm trong Vành đai Rỉ sét (Rust Belt), từng là trái tim của nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ 20, nhưng cũng là nơi quá trình toàn cầu hóa và sự chuyển dịch của nhiều ngành công nghiệp sang châu Á và Trung Quốc đã có ảnh hưởng nặng nề tới điều kiện an sinh xã hội của hàng chục triệu cử tri, khiến họ mất niềm tin vào hệ thống chính trị.
Donald Trump hy vọng câu chuyện của JD Vance sẽ đem lại sự kết nối cá nhân với các cử tri từ giai cấp lao động và tầng lớp trung lưu tại Trung Tây; đem lại hình ảnh rằng Giấc mơ Mỹ vẫn tồn tại. Lựa chọn Vance có lẽ Trump đang thể hiện sự cam kết của ông rằng sẽ giải quyết những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người Mỹ, và khẳng định rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và đại diện ở cấp cao nhất của chính quyền.
Vance, Thượng nghị sĩ của bang Ohio và tác giả của cuốn hồi ký nổi tiếng Hillbilly Elegy (Tráng ca của kẻ nhà quê), đã nổi lên trong giới Cộng hòa như một biểu tượng của tầng lớp lao động vùng Appalachia và Vành đai rỉ sắt. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Kentucky, và sau đó lớn lên tại Ohio. Tại cuốn Hillbilly Elegy, Vance đã thu hút người đọc khi anh mô tả cuộc sống đầy khó khăn và hỗn loạn trong cộng đồng mình nói riêng và Vành đai rỉ sắt nói chung, nơi tỷ lệ nghiện ma túy, bạo lực gia đình, và thất nghiệp cao khiến nhiều người mất phương hướng. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất Mỹ khi ra mắt vào năm 2016, được coi là một góc nhìn sâu sắc vào tâm lý và hoàn cảnh của tầng lớp lao động Mỹ, đôi phần giúp lý giải tại sao rất nhiều người ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử năm đó.
Đối với Trump, ông hy vọng rằng câu chuyện của JD Vance sẽ đem lại sự kết nối cá nhân với các cử tri từ giai cấp lao động và tầng lớp trung lưu tại Trung Tây, những người nghĩ rằng họ đã bị bỏ quên trong xã hội Mỹ. Hơn nữa, việc Vance đã phục vụ trong quân đội, có trình độ học vấn cao khi tốt nghiệp Yale, và đã từng là một nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) sẽ đem lại hình ảnh rằng Giấc mơ Mỹ vẫn tồn tại, không chỉ thu hút những cử tri cánh hữu mà còn những nhóm độc lập và trung dung. Bằng cách đưa một người như Vance vào vị trí lãnh đạo đất nước, có lẽ Trump đang thể hiện sự cam kết của ông rằng sẽ giải quyết những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người Mỹ, và khẳng định rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và đại diện ở cấp cao nhất của chính quyền.
Trong khi đó, Kamala Harris đã chọn Tim Walz, Thống đốc bang Minnesota, làm ứng cử viên Phó Tổng thống của mình. Quyết định này cũng mang tính chiến lược cao, nhằm củng cố sự ủng hộ ở vùng Trung Tây Mỹ. Walz được coi là một ứng cử viên lý tưởng để thu hút cử tri tại đây do phong cách bình dân, gần gũi với văn hóa xã hội nông thôn, và khả năng kết nối với những người lao động tầng lớp trung lưu. Walz cũng là người ủng hộ mạnh mẽ các công đoàn lao động, rất quan trọng trong chiến lược của Đảng Dân chủ nhằm duy trì sự ủng hộ từ tầng lớp lao động tại Trung Tây sau khi đã đánh mất thiện cảm của các khu vực nông thôn trong nhiều thập kỷ qua. Các chính sách lao động của Walz, như việc tăng số ngày nghỉ phép có lương và cấm các thỏa thuận không cạnh tranh, đã nhận được sự ủng hộ từ các công đoàn.
Kamala Harris đã chọn Tim Walz, người ủng hộ mạnh mẽ các công đoàn lao động, rất quan trọng trong chiến lược của Đảng Dân chủ nhằm duy trì sự ủng hộ từ tầng lớp lao động tại Trung Tây
Waltz có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc tranh cử khốc liệt ở các khu vực bầu cử có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là ở vùng phía nam Minnesota, nơi phần lớn là các cộng đồng nông thôn có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa. Là một cựu giáo viên, huấn luyện viên bóng đá, và từng phục vụ trong Vệ binh Quốc gia, rõ ràng là Walz có hình ảnh của một nhà lãnh đạo trung hữu có “tinh thần Trung Tây”. Đây là một yếu tố bà Harris hy vọng sẽ giúp giảm bớt lo ngại của những rằng bà quá thiên về cánh tả và đại diện cho những “thế lực” theo chủ nghĩa tự do của San Francisco và bờ Tây. Chính vì vậy, ngay sau khi Harris công bố chọn Walz, bà đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều nhà quan sát và công chúng, và được coi là một bước đi chiến lược, thể hiện sự tự tin của bà Harris trong quyết tâm giành chiến thắng và sự sẵn sàng để giải quyết các vấn đề của Trung Tây nếu đắc cử.