60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành kiểm sát nhân dân có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam

Ngày 15-7-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện KSND trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành KSND. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành KSND đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Ngày 15-7-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện KSND trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành KSND. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành KSND đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Trong giai đoạn đầu mới thành lập và trong suốt 60 năm qua, ngành KSND luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt, một trong những đồng chí lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam đã được bầu làm Viện trưởng KSND tối cao đầu tiên và giữ cương vị này trong suốt 16 năm; Bộ Chính trị cũng ban hành một Nghị quyết riêng về công tác kiểm sát là Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 1-2-1963, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước đối với ngành kiểm sát. Với phương châm vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngành kiểm sát đã từng bước xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Nhiệm vụ của ngành KSND, trong mỗi nhiệm kỳ bao giờ nhiệm kỳ sau cũng kế thừa, phát huy những mặt làm được, làm tốt của nhiệm kỳ trước, nhưng đồng thời cũng căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu chính trị của nhiệm kỳ giai đoạn của mình để có đánh giá về mặt tình hình, yêu cầu công tác của ngành, để có những giải pháp, biện pháp xử lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đó.

Những năm gần đây ngành KSND đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định phương châm "Ðoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả" là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ và đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các mặt, các chỉ tiêu nghiệp vụ Quốc hội giao đều đạt và vượt, năm sau tốt hơn năm trước. Ngành kiểm sát đã chọn khâu đột phá là công tác cán bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo, người đứng đầu bằng biện pháp tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tối cao, cấp cao về địa phương và từ địa phương lên, bố trí cán bộ nhiều vị trí công tác để đào tạo toàn diện và rèn luyện thử thách qua thực tiễn, từ đó đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể, đánh giá bản lĩnh dám vượt khó, dám đấu tranh với cái sai, biết bảo vệ cái đúng trong công tác để kịp thời chọn ra đội ngũ kế thừa, đáp ứng yêu cầu thay thế trước mắt và lâu dài; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành, chú trọng thanh tra đột xuất, yêu cầu tự thanh tra, nhằm phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn kịp thời với phương châm "xây là chính". Tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Nhiệm kỳ này đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của ngành KSND trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ đặc biệt lớn với hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng bị khởi tố từng giữ những chức vụ cao trong Ðảng và trong bộ máy Nhà nước; được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng. Nổi bật trong điều tra tội phạm tham nhũng vừa qua là đã chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng lớn, đồng thời xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng là mục tiêu, yêu cầu quan trọng nhất trong giải quyết, xử lý án tham nhũng, do đó ngành kiểm sát đã chủ động phối hợp Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can và người liên quan ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra trực tiếp ban hành lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Hội đồng xét xử thu hồi tài sản cho Nhà nước. Chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết án tham nhũng.

Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đối với các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp được tăng cường theo hướng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại; chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa. Mở rộng hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ðẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải quyết công việc và kiểm soát hoạt động toàn ngành. Cải tiến công tác tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của ngành KSND, về hình ảnh người cán bộ kiểm sát.

Có thể khẳng định, trải qua các thời kỳ khác nhau, Viện KSND ra đời, xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, là cơ quan thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng trong lãnh đạo Nhà nước về tư pháp, có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Trải qua 60 năm, ngành KSND trưởng thành về mọi mặt, đạt được những thành tựu, cống hiến xuất sắc và đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam; được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (các năm 1985, 1990, 2020); Huân chương Sao Vàng (năm 2010); Huân chương Ðộc lập hạng nhất (năm 2015); nhiều danh hiệu Anh hùng Lao động; huân chương, cờ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… cho các tập thể và cá nhân trong ngành. Những thành quả đó chính là kết tinh của sự đoàn kết thống nhất, sự cống hiến hết mình của các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức và người lao động ngành KSND qua các thời kỳ.

Trong thời gian tới, ngành KSND đứng trước nhiều thách thức, áp lực do tình hình tội phạm tăng và diễn biến phức tạp; ngành kiểm sát phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm mới tăng thêm theo các đạo luật mới về tư pháp và chịu nhiều chế tài trách nhiệm trong thực thi công vụ; trong khi các nguồn lực cho ngành kiểm sát hiện nay chưa đáp ứng theo yêu cầu và phải giảm biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; đặc biệt là yêu cầu chống tham nhũng do Ðảng, Nhà nước đang đặt ra rất cao, đòi hỏi ngành kiểm sát phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng và các loại tội phạm nguy hiểm khác. Ðể vượt qua khó khăn thách thức, ngành KSND quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm to lớn của ngành kiểm sát trong tình hình mới; phải bám sát nhiệm vụ chính trị và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, phải nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và thế giới; diễn biến tội phạm, vi phạm; thận trọng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đất nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của ngành kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Hai là, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đây là trách nhiệm chính trị của ngành kiểm sát, là thực hiện sự ủy quyền của Quốc hội về giám sát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp, vì quyền lực trong hoạt động tư pháp rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp bảo vệ. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; đặc biệt là những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Ba là, chủ động phát hiện những vấn đề bất cập, sơ hở, tích cực phối hợp các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; kịp thời tham mưu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, góp phần vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát hiện kịp thời các vi phạm, nhất là vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp phòng ngừa, khắc phục xử lý hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục quan tâm công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu viện KSND các cấp; cần có các giải pháp nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm chọn được người tài, đức, có bản lĩnh trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, dám vượt khó, dám đấu tranh đương đầu với cái sai, biết bảo vệ cái đúng. Công việc của ngành KSND hằng ngày, hằng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, thậm chí là cả người thân của mình và phải biết đấu tranh với cả chính mình. Ðó là thách thức không nhỏ. Song, ngành KSND tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm sát bao thế hệ trước đây và hôm nay sẽ vượt qua những thách thức đó, xứng đáng với lời Bác đã dạy "giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục".

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và kiên trì, nghiêm túc thực hiện lời dạy của Người với cán bộ ngành KSND "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", toàn ngành KSND tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao kiến thức, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng ngành kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.

Lê Minh Trí

Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng KSND tối cao

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/60-nam-xay-dung-va-truong-thanh-nganh-kiem-sat-nhan-dan-co-nhieu-cong-hien-va-dong-gop-to-lon-cho-cach-mang-viet-nam--610055/