60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Ký ức một thời làm phóng viên chiến trường

Nhà báo Phạm Đức Yên, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (Khu V) đã chia sẻ về những ngày tháng sống, chiến đấu, lao động của ông ở chiến trường khu V.

Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những ngày đầu tháng 10/2020, Nhà báo Phạm Đức Yên, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (Khu V) tất bật chuẩn bị cho chuyến đi vào Thành phố Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (1960 - 2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong niềm vui sắp được gặp lại đồng nghiệp, đồng đội, ký ức về những ngày tháng sống, chiến đấu, lao động của ông ở chiến trường khu V lần lượt hiện về...
* Ông "Yên mất dép” và những lần chết hụt…
Nhà báo Phạm Đức Yên “nổi tiếng” với các đồng nghiệp trong lớp GP10 bởi câu chuyện ông “chạy mất dép” khi tránh máy bay địch. Cái tên “Yên mất dép” cũng được đồng nghiệp dùng để gọi ông trong nhiều năm ông ở Thông tấn xã Giải phóng.
Nhà báo Phạm Đức Yên kể, năm 1974, ông cùng đồng nghiệp đi một chuyến công tác dài ngày theo chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (trên địa bàn Quảng Đà - Quảng Nam thời đó, nay là Quảng Nam - Đà Nẵng). Khi đó, ông vừa trải qua một trận sốt rét, người vẫn rất yếu. Sau nhiều ngày hành quân trong rừng rất mệt mỏi, lúc đó, đoàn ra đến một khoảng rừng được nhân dân địa phương khai hoang làm rẫy trồng sắn.
Cả một vạt rừng trống lổn nhổn toàn những gốc sắn đã được thu hoạch, chỉ còn trơ lại những gốc cây khô. Đi giữa khu rừng trống hoác, ông nghĩ bụng: “Đi giữa rừng trống thế này mà gặp máy bay thì mình chết”. Vừa nghĩ xong, ông đã nghe trên đầu ù ù tiếng máy bay, nhìn lên trời là "một đàn" A37 đang từ xa bay đến. Ông bỏ chạy. Ông bảo, “Lúc ấy vừa khỏi sốt rét, sức còn yếu, ba lô thì nặng, nhưng đến thời khắc sinh tử, giữa sống và chết, không hiểu sao mình chạy khỏe thế”.

Máy bay đến, ông chạy, máy bay đi ông lại nằm thở… cứ thế năm lần bảy lượt. Khi máy bay đi hẳn, ông nằm gục xuống đất cả tiếng đồng hồ mới gượng dậy được. Lúc ấy, ông mới nhìn ra, ba lô cũng mất, đôi dép cao su đi dưới chân chỉ còn một chiếc. Ông tập tễnh quay lại tìm khắp cánh rừng, nhưng chỉ tìm lại được ba lô, còn chiếc dép không thể tìm được, ông đành phải tiếp tục hành quân bằng chân đất.
Phải nói rằng, hành quân trong rừng mà không có dép là một cực hình, gai đâm vào chân toét hết cả máu.

Ông tìm hết bẹ chuối, vỏ cây, rồi lấy lá cây buộc vào chân để đi, nhưng không được. Cuối cùng, ông phải cởi chiếc áo đang mặc trên người xuống quấn vào chân, chống gậy đi theo đoàn.

Cứ thế suốt mấy ngày, cho đến khi đoàn công tác đến một đơn vị bộ đội, có anh bộ đội nghe chuyện đã tặng ông một đôi dép mới. Ông bảo, đôi dép lúc ấy quý hơn cả vàng… Khi về đến cơ quan, anh em đồng nghiệp nghe chuyện của ông, cứ bò ra cười. Từ đó, mọi người gọi ông là “Yên mất dép”...
Sau chuyến đi ấy, ông về viết được mấy phóng sự, trong đó có bài “Ba chiến sỹ đẩy lui một tiểu đoàn trên chốt điểm Hòn Giang”, viết về trận chiến mà quân ta chỉ có 3 chiến sỹ mà anh dũng đánh lui một tiểu đoàn địch trên chốt điểm Hòn Giang.

Bài “Nổi dậy từ trong lòng địch”, viết về một chiến sỹ cách mạng tên Hồng, đã vận động được nhiều quân địch phản chiến, đầu hàng quân giải phóng. Bài “Dưới chân núi Hòn Chiêng” viết về trận chiến ở cứ điểm Hòn Chiêng (Quế Sơn, Quảng Nam)…
Nhắc đến trận chiến dưới chân núi hòn Chiêng, Nhà báo Phạm Đức Yên lại nhớ đến Nhà báo Thiện Tơ, Báo Quân giải phóng, người đã hy sinh ngay trước mắt ông. “Anh Thiện Tơ là phóng viên ảnh của Báo Quân giải phóng.

Lúc đó, quân ta đã thắng trận ở Hòn Chiêng. Anh Thiện Tơ rủ tôi trèo lên chốt, anh muốn chụp kiểu ảnh từ trên cao xuống. Tôi rất mệt nên ngồi bên ngoài chờ. Không ngờ, địch tuy đã rút chạy nhưng chúng vẫn cay cú nên chúng nã pháo từ xa vào xóa sổ chốt. Anh Thiện Tơ hy sinh ngay trước mắt tôi lúc đó”, Nhà báo Phạm Đức Yên rưng rưng xúc động.
Lần khác, ông được phân công cùng Nhà báo Phước Huề (ở Đà Nẵng) đi trạm gần sông Tranh lấy hàng Tết cho đơn vị. Trên đường đi có qua một con suối, Nhà báo Phước Huề đi trước, ông đi cách sau khoảng 500m. Dòng suối chia làm hai nhánh chảy hai bên, ở giữa có một cái gò nổi lên, trên gò có nhiều cây cối.

Ông kể: Lúc ấy, anh Phước Huề đã sang được bờ bên kia rồi, tôi mới đi đến giữa suối, chỗ cái gò cao. Vừa đặt chân lên gò, tôi nghe nước ào ào chảy xuống, nhìn ra, thấy nước lũ đục ngầu cùng với gỗ, đá từ trên nguồn đổ về. Nước hai bên dâng lên cao, rồi ngập dần lên gò.

Tôi lấy cái võng, vít hai ngọn cây cao để buộc võng vào, sau đó đu người trèo lên võng nằm tránh lũ. Sáng hôm sau nước rút, tôi lội sang bờ bên kia, thấy anh Phước Huề đang ngồi khóc đỏ cả mắt. Nhìn thấy tôi, anh Phước Huề ôm chầm lấy bảo: “Tao tưởng mày chết rồi Yên ơi, tao khóc suốt đêm vì tưởng mày chết rồi...”.
* Sợ nhất bị đói và thiếu muối…
Với nhiều người, đi làm phóng viên chiến trường, đi theo các chiến dịch, tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng vẫn không đáng sợ bằng bị… đói. Bị sốt rét và bị đói là điều đáng sợ nhất lúc bấy giờ.

Nhà báo Phạm Đức Yên bảo, nếu dùng một từ để tả, có thể nói là “đói quay đói quắt”. Có thời điểm, vài tháng không có gạo, anh em ăn hết sắn tươi rồi đến sắn khô.

Có lúc sắn cũng không có mà ăn, nhiều người mang quần áo, đồ dùng vào trong vùng đồng bào đổi được cái gì thì ăn cái đó cho qua ngày. Có khi, trên đường hành quân, hái được nắm lá sắn, mang về làm dưa muối, thế là cũng trở thành “đặc sản”.
Sau cái đói là thèm thuốc, thèm muối. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phong tỏa cửa khẩu, muối không vào được, anh em thiếu muối phù nề hết cả mặt mũi chân tay. Ông bảo, phải ở miền Trung giai đoạn ấy, mới thấm thía câu hát: “Hạt muối năm xưa từng trông chờ đỏ mắt, anh gùi muối về trong cái chết cận kề…” là như thế nào.

Khi ấy, hạt muối khi ấy khan hiếm lắm. Thỉnh thoảng xin được vài hạt, chia nhau cho vào ngậm trong mồm, rồi uống với một ngụm nước suối, để muối tan dần trong miệng, lúc đó chỉ cảm thấy ngọt lịm như đường…
“Thời đó, thuốc lá là một trong những mặt hàng quý hiếm. Một điếu thuốc phải chia làm vài lần, mỗi lần chỉ được rít 1-2 hơi là đủ. Anh Hoàng Dục giấu được vài điếu thuốc, cứ đến nửa đêm là lại ra cấu tôi và anh Xuân Soạn (người Hải Phòng) dậy rồi khẽ bảo: Dậy tao cho hít một hơi! Vì thế mà chúng tôi hay gọi anh ấy là "anh cấu", hôm nào nằm đến 12 giờ đêm mà không được cấu là buồn hẳn”, Nhà báo Phạm Đức Yên vui vẻ kể lại.
*Tự hào là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng
Nhà báo Phạm Đức Yên quê ở Gia Lâm, trong một gia đình nông dân. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ năm 1972, ông được Việt Nam Thông tấn xã tuyển vào khóa GP10, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau khi tham gia lớp đào tạo ngắn hạn, năm 1973, ông cùng với 108 đồng nghiệp của khóa GP10 lên đường vào chiến trường. Sau nhiều tháng trời xuyên rừng, vượt núi, đến khu V, ông được phân công ở lại làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng khu vực Trung Trung Bộ, tác nghiệp ở địa bàn các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Phú Yên…
Những ngày ở chiến trường, ngoài việc đi lấy tin, viết bài gửi về cơ quan, ông còn cùng anh em trong cơ quan phát rẫy trồng sắn, trồng rau tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống.

Nhà báo Phạm Đức Yên bảo: “Ở nhà tôi là con một, nên được ông bà, bố mẹ nâng niu, chiều chuộng lắm.

Dù gia đình làm nông nghiệp, nhưng tôi được nuôi nấng như một công tử, bố mẹ không cho động tay làm gì bao giờ. Ấy thế mà khi lên rừng, việc gì cũng phải làm. Từ chặt cây, phá rừng làm rẫy, đào đất, trồng sắn…”.
Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng anh em trong cơ quan, đơn vị sống với nhau tình nghĩa, trong sáng và hồn nhiên.

Có lần, do nghi ngờ địch có thể phát hiện trụ sở cơ quan, cấp trên yêu cầu di chuyển địa điểm để đảm bảo an toàn.

Nhà báo Phạm Đức Yên và nữ Nhà báo Cao Tân Hòa được cơ quan phân công đi theo xe chở máy móc, phương tiện tác nghiệp, đồ dùng và thực phẩm của đơn vị đến trụ sở mới.

Trên thùng xe ô tô, ngoài đồ đạc còn có kèm mấy bu gà anh em nuôi tăng gia. “Để tránh bị địch phát hiện, xe được trùm bạt kín mít. Đi 3 ngày trời đường rừng, trên thùng xe, đồng nghiệp Cao Tân Hòa bị ngất vì ngạt. Tôi phải vén bạt để có không khí vào cho cô ấy thở...

Khi xe đến trạm quân đội, chúng tôi phát hiện đàn gà của anh em sặc xăng chết ngạt hết. Cao Tân Hòa bật khóc.

Cuối cùng, hai anh em tôi nhờ các anh đơn vị bộ đội mổ giúp, rửa sạch ruột rồi ướp muối toàn bộ số gà mang về cơ quan. Khi chúng tôi mang thùng gà ướp muối về, một anh cùng cơ quan ra đón biết chuyện còn đùa: Sao chúng mày dại thế, không chén luôn đi…”, Nhà báo Phạm Đức Yên kể lại.
Ông bảo, nhiều năm sau này, ngồi ngẫm lại mới thấy, kể cũng lạ, lúc ấy đói mà sao vẫn chỉ nghĩ làm sao để gà không bị hỏng, làm sao mang được gà về cơ quan để anh em cùng ăn…
Sau giải phóng, Nhà báo Phạm Đức Yên tiếp tục làm phóng viên thường trú ở Tây Nguyên. Đến năm 1981, ông chuyển công tác ra Tổng xã đến khi nghỉ hưu, năm 2010.
Về nghỉ hưu, Nhà báo Phạm Đức Yên ở nhà vui vầy với con cháu, thường kể lại kể cho con cháu nghe nhưng câu chuyện thời ông làm phóng viên chiến trường. Các cháu nội của ông, từ đứa học hết lớp 12, đến đứa vừa vào lớp 1, cháu nào cũng thuộc làu chuyện của ông.
Nhận tin Thông tấn xã Giải phóng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà báo Phạm Đức Yên vui lắm, bởi ông cũng là một thành viên đã góp phần làm nên danh hiệu này.

Ông vui hơn nữa khi cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tổ chức đưa tất cả những phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng năm ấy vào dự Lễ đón nhận danh hiệu cao quý này. Trong niềm vui này, ông không quên những người đã ngã xuống.

“Tự hào, vinh dự, nhưng cũng xót xa lắm, bởi biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của hàng trăm người đã đổ xuống trong suốt những năm tháng gian khó ấy…”, Nhà báo Phạm Đức Yên xúc động nói./.

Phương Lan/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/60-nam-thong-tan-xa-giai-phong-ky-uc-mot-thoi-lam-phong-vien-chien-truong/174136.html