60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Sau Hiệp định Genève, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho 'Đoàn công tác quân sự đặc biệt' làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Đường Trường Sơn – huyết mạch nối liền hậu phương và tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn 559 là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; phải chủ động tránh địch và bí mật. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn, bốt, chốt chặn của địch, ngày 20-8-1959, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường gùi được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp, gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Vị trí, vai trò của Đoàn 559 ngày càng quan trọng, nhiệm vụ của Đoàn ngày càng nặng nề. Xuất phát từ tình hình thực tế, phương thức vận chuyển của Đoàn được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, từ phòng tránh bị động tiến tới phòng tránh tích cực với phương châm: đánh địch mà đi, đánh địch để vận chuyển. Ngày 14-6-1961, Đoàn 559 chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn. Không chỉ phát triển về số lượng, Đoàn 559 đã có bước phát triển quan trọng về chất lượng. Các chiến sĩ Trường Sơn vừa là người lính vận tải, vừa là chiến sĩ bộ binh, công binh, vừa công tác, vừa chiến đấu. Giai đoạn 1965 - 1968, Đoàn 559 phát triển từ vận tải thô sơ sang vận tải cơ giới; từ quy mô cấp sư đoàn lên quy mô cấp quân khu với những nhiệm vụ chiến lược to lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn rộng. Tháng 7-1970, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nâng tổng quân số lên 92.000 người.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa Xuân năm 1975, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước), với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới; đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc... Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

Nhờ có hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng 30-4-1975.

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/60-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-ngay-truyen-thong-bo-doi-truong-son-a245137.html