60 năm hội cựu học sinh cấp I xã Đông Dương

Hòa bình lập lại năm 1954, chúng tôi tự hào là những đứa trẻ đầu tiên của xã Đông Dương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) được cắp sách tới trường ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của Hội Cựu học sinh Cấp I xã Đông Dương khóa học 1955/1959.

Ngày ấy, học sinh phân thành ba cấp. Khối cấp I từ lớp 1 đến lớp 4; cấp II từ lớp 5 đến lớp 7; cấp III từ lớp 8 đến lớp 10. Vì mới hòa bình nên xã chưa có trường riêng, mà dùng đình làng, miếu làng để lấy chỗ cho chúng tôi học tập. Cuộc sống những ngày mới hòa bình còn rất khó khăn. Ở nông thôn dù tuổi còn nhỏ nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn phải phụ việc giúp gia đình, chỉ đến tối mới có thời gian học bài.

Buổi tối cũng chỉ có cái đèn dầu hỏa. Có hôm hết dầu, phải bắt những con đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng gà rồi lướt trên trang sách, thế mà vẫn đọc được. Không hiểu sao ngày đó mắt lại sáng đến thế. Riêng giấy nháp thì rất hiếm, chúng tôi thường sử dụng lá cây chuối goòng, loại lá mà mặt sau của nó có phủ một lớp phấn mỏng nên nếu dùng gai cây chanh hoặc cây bòng viết thì có thể nháp được các bài toán khó rồi sau mới chép vào vở.

Có hôm đang đêm chợt tỉnh giấc thấy trời sáng quá, cứ tưởng đã muộn nên mấy đứa liền gọi nhau vang cả xóm rồi hớt hải cùng chạy đến trường. Tới nơi thì vẫn vắng tanh. Thế là chúng tôi lại lăn ra hè ngủ tiếp một giấc ngon lành. Chẳng ai có đồng hồ, ngày ấy đất nước ta, nhất là vùng nông thôn còn nghèo lắm, cái ăn còn thiếu, lấy đâu ra đồng hồ.

Còn điện thì trên tỉnh mới có. Sau ngày hòa bình, nông thôn chúng tôi được lắp cái loa phóng thanh ở một cột cao theo đường dây kéo từ tỉnh về. Hàng ngày cứ 5 giờ chiều là loa phóng thanh lại cất lên tiếng nhạc quen thuộc rồi phát đi tin tức, vì thế cả làng lúc nào cũng háo hức chờ đến ngày thứ 7, vì hôm đó có buổi phát thanh văn nghệ.

Cổng làng Chàng do Hội Cựu học sinh Cấp I xã Đông Dương khóa học 1955/1959 kêu gọi, đóng góp xây dựng.

Văn nghệ tối thứ 7 thường là chèo hoặc kịch nói nên ai cũng thích, thậm chí có người còn đến sớm, vừa gặp nhau nói chuyện, vừa nhận chỗ gần cột loa để nghe cho rõ hơn. Riêng các chiều chủ nhật có tường thuật bóng đá từ Hà Nội. Ai cũng vui, nếu có đội chiếu phim lưu động về chiếu thì mọi người còn chuẩn bị nấu cơm tối sớm hơn để đi xem.

Thực tế trước đó một vài chúng tôi đã đi học ông đồ nên biết đọc và viết một ít chữ cái nhưng sau ngày hòa bình khi vào học, đều được ghép chung vào một lớp, còn tuổi thì đủ loại. Có người kém một hai tuổi nhưng có người hơn ba, thậm chí bốn, năm tuổi. Tất cả đều là lớp một. Nhiều hôm đang học, có ông bố vào lớp đề nghị thầy giáo cho một bạn nghỉ về cưới vợ. Ngày mới hòa bình, buổi tối tại các xóm thôn thiếu nhi đều tổ chức hát hò, tập đánh trống. Có hôm đang đánh trống thì có bạn gái bị gọi về đi lấy chồng.

Vậy mà đã 60 năm, nay gặp lại những người bạn xưa trong "Hội học sinh cấp I, khóa học 1955/1959" chúng tôi càng vui hơn vì rất nhiều người từ mái trường ấy đã trưởng thành. Nhiều bạn là công nhân viên chức đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều bạn tốt nghiệp đại học là kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, sỹ quan quân đội, nhiều người là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và thực sự chúng tôi đã có rất nhiều đóng góp cho quê hương.

Điển hình như công trình cổng thôn Chàng xây dựng từ tháng 11/2004, khánh thành 30/4/2005 và gắn Bia cổng làng ngày 10/10/2010, được Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhận xét là một trong những cổng làng đẹp nhất Việt Nam. Hay việc xây dựng khu chợ nông thôn mới và nhà văn hóa - đình làng tại các thôn đều có sự góp công, góp sức và trí tuệ của rất nhiều cựu học sinh cấp I, khóa học 1955/1959 và các thế hệ học sinh tiếp theo.

Hội cựu học sinh cấp 1 khóa 1955- 1959 xã Đông Dương trong ngày hội trường.

Hội cựu học sinh cấp I, khóa học 1955/1959 thành lập từ năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra trường. Năm nào Hội cũng tổ chức gặp mặt rất vui vẻ. Tính đến năm 2019, đã 10 năm sau ngày thành lập thì 10 lần chúng tôi đều tổ chức gặp mặt đầy tình nghĩa.

Tiến tới kỳ gặp mặt lần thứ 11 và kỷ niệm 60 năm ngày ra trường tổ chức vào ngày 12/5 này, chúng tôi đang cùng thầy và trò Trường tiểu học xã Đông Dương mở đợt thi đua phát huy truyền thống các lớp đàn anh, truyền thống uống nước nhớ nguồn, sẽ có những đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương xứng đáng là một làng quê NTM kiểu mẫu.

Vũ Tiến Thắng - Vũ Duy Hường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/60-nam-hoi-cuu-hoc-sinh-cap-i-xa-dong-duong-post241070.html