60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 - 19/5/2019)

Đường Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn đã có từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng lúc đó mới chỉ là con đường giao liên Nam - Bắc, theo những lối mòn mà đồng bào các dân tộc thường qua lại. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương khôi phục và mở rộng con đường lịch sử này để chi viện cho cách mạng miền Nam.

Bài 3: Biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt - Lào

Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Trong ảnh là chiến sĩ của Tiểu đoàn Công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559, đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba Bắc Siêng Phan đi Xômpêng.

Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Trong ảnh là chiến sĩ của Tiểu đoàn Công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559, đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba Bắc Siêng Phan đi Xômpêng.

Bài 1: Sứ mệnh lịch sử của con đường và Bộ đội Trường Sơn

Bài 2: Mồ hôi và máu của người chiến sĩ Trường Sơn

Sự ủng hộ chí tình của bạn

Xét trên bình diện địa lý tự nhiên và địa lý quân sự, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - một nhà khoa học đồng thời là một nhà quân sự nổi tiếng đã ví Trường Sơn như cột sống của cơ thể con người. Hai nước cùng chung cột sống ấy không dễ gì tách rời nhau, không thể tách rời nhau (1).

Đoàn 559 - được thành lập chính là nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù đã tận tâm tận lực thực hiện nhiệm vụ soi đường, mở lối, song do địa hình phía Đông quá hiểm trở, lại bị địch ngăn chặn quyết liệt nên công tác chi viện của Đoàn 559 thuở ban đầu gặp vô vàn khó khăn.

Trước đòi hỏi bức thiết của cách mạng miền Nam và cách mạng Lào, cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã gặp nhau bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc gặp gỡ lịch sử này, các bạn Lào hoàn toàn nhất trí và ủng hộ đề nghị của phía Việt Nam cho phép mở đường sang Tây Trường Sơn. Các bạn phát biểu rất chí tình: “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”(2).

Nhờ sự ủng hộ chí tình của bạn, việc mở đường vượt đỉnh Trường Sơn qua biên giới Việt - Lào nhằm “lật cánh” tuyến chi viện chiến lược sang phía Tây Trường Sơn được gấp rút triển khai. Đồng thời với việc “lật cánh”, các hoạt động kháng chiến của quân dân Lào được đẩy mạnh. Đặc biệt từ ngày 11/4 đến ngày 3/5/1961 quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến công địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn dọc phía Tây Trường Sơn từ Căm-Cớt, Lạc-Sao đến Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông, nối đường 12 với đường số 9 tạo thành một hành lang dài hàng trăm km, rộng hơn 50 km. Toàn bộ 6 mường (huyện) của Lào ở Bắc và Nam đường 9 được giải phóng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc mở tuyến vận tải chi viện chiến lược. Sau này, tuyến đường còn được mở qua 17 mường (huyện) của nước Lào anh em.

Sự kiện trên đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đường Hồ Chí Minh, thời kỳ lấy vận tải cơ giới là chính, thời kỳ “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, ‘’xẻ dọc Trường Sơn’’, vượt qua vùng ba biên giới ở Đông Nam tỉnh Attappư (Lào) và vùng Đông Bắc tỉnh Ratarakiri (Campuchia) rồi vòng về Nam Tây Nguyên nối với Khu 6, Khu 5 và miền Đông Nam Bộ.

Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh chỉ thực sự trở thành “động mạch chủ” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là của nhân dân hai nước Việt - Lào kể từ khi “lật cánh” sang Tây Trường Sơn.

Sự gắn bó keo sơn

Từ lúc mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh chủ yếu đi trên đất Lào với chiều dài hơn một nghìn km. Do tầm quan trọng đặc biệt nên trong suốt 16 năm, đế quốc Mỹ và tay sai đã sử dụng mọi biện pháp tàn bạo và thâm độc nhằm ngăn chặn, hủy diệt, chặt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta. Chúng đã mở hàng chục vạn cuộc hành quân càn quét, biệt kích, tập kích; hàng chục vạn cuộc ném bom bắn phá của không quân, trong đó có hàng vạn lần chiếc máy bay chiến lược. Chúng đã ném xuống đường Hồ Chí Minh hàng triệu tấn bom đạn các loại. Đó là chưa kể đến hàng vạn ga - lông chất độc hóa học.

Những âm mưu, thủ đoạn ngăn chặn, đánh phá hết sức ác liệt và tàn bạo của Mỹ- ngụy đã gây cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân hai nước Việt, Lào những khó khăn tổn thất không thể kể xiết. Hàng vạn cán bộ chiến sĩ quân đội hai nước và nhân dân các bộ tộc Lào đã hy sinh trên tuyến đường lịch sử này.

Bất chấp những âm mưu, hành động tàn bạo và thâm độc của kẻ thù; dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Lào vẫn kề vai sát cánh cùng quân dân Việt Nam kiên quyết đánh đuổi kẻ thù chung, đã cùng nhân dân Việt Nam xây dựng và mở rộng tuyến chi viện chiến lược. Bộ đội du kích của bạn kết hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, biệt kích, tập kích của địch. Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công Việt Nam dù hành quân qua hay trực tiếp chiến đấu trên tuyến đường đều được quân dân nước bạn giúp đỡ như anh em ruột thịt. Nhân dân giúp bộ đội trinh sát thực địa, tìm đường vòng tránh các trọng điểm, nuôi dưỡng chăm sóc bộ đội khi bị thương hoặc ốm đau, giúp bộ đội xây dựng lán trại, kho tàng. Nhiều bà mẹ Lào tuy đời sống còn rất khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc vẫn chắt chiu từng lon gạo, hộp sữa để nuôi dưỡng thương bệnh binh Việt Nam. Nhiều người dân Lào ở sâu trong vùng địch tạm chiếm đã bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa, không quản đường xa, núi cao, vực sâu đưa trâu bò, lợn gà, rau xanh, gạo nếp đến tặng bộ đội ở các binh trạm… Nhờ sự ủng hộ giúp đỡ chí tình đó của Đảng, Chính phủ cách mạng và quân dân Lào anh em, đường Hồ Chí Minh ngày càng vươn dài, vươn xa với sức sống ngày càng mãnh liệt. Từ con đường mòn nhỏ bé đi trong dân với phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ đã nhanh chóng trở thành một tuyến vận tải cơ giới quy mô lớn như một “trận đồ bát quái” xuyên dọc Trường Sơn, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường các nước bạn.

Đền đáp lại tấm lòng thủy chung, trong sáng của quân dân Lào anh em, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và dân công Việt Nam trên tuyến chi viện chiến lược, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng tích cực cùng quân dân Lào anh em chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Bộ đội giúp nhân dân nông cụ, giống má, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; cùng dân sản xuất, thu hoạch mùa màng. Khi dân gặp thiên tai, địch họa, đời sống khó khăn, bộ đội Việt Nam cùng bộ đội giải phóng Lào thực hành tiết kiệm, bớt tiêu chuẩn ăn hàng ngày để cứu đói cho dân... Những việc làm nói trên của bộ đội Việt Nam trên tuyến chi viện chiến lược đã góp phần vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Nhân dân Lào càng thêm yêu quý và hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố góp phần quyết định để tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình.

Đường Hồ Chí Minh được xây dựng và phát triển từ yêu cầu khách quan, bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cuộc đấu tranh của hai dân tộc để giành, giữ và xây dựng đất nước. Con đường huyền thoại trong mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào là kết quả của một quá trình vận động cách mạng tự giác, từ thấp lên cao, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, thực sự tin cậy, gắn bó với nhau, chân thành hợp tác giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước, của cả hai dân tộc. Chính vì thế, có thể coi đường Hồ Chí Minh là một biểu tượng tuyệt đẹp, một tượng đài vĩ đại và bất tử của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào - Campuchia.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn
Phó Chủ tịch thường trực
Hội Truyền thống Trường Sơn

(1) Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt (Hội thảo Khoa học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Nxb Chính trị quốc gia, H, 1993, tr.142.
(2) Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Sđd, tr.295.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/60-nam-duong-truong-son-duong-ho-chi-minh-huyen-thoai-19-5-1959-19-5-2019-tintuc437111