60 năm 'Bài ca hy vọng'

Thời gian trôi qua đã lâu, từ giữa thế kỷ trước, nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn nhớ như in, đó là thời kỳ đất nước ta còn bị chia cắt, hai miền Nam Bắc thư từ thăm nhau phải gửi qua nước thứ ba. Phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp. Mỹ - ngụy phá hoại hiệp định Geneva. Quần chúng hoang mang dao động, không hiểu cuộc đấu tranh còn kéo dài đến bao giờ mới thống nhất được đất nước.

Vào một buổi tối mùa xuân năm 1958, cũng như bao người dân yêu nước khác, nhạc sỹ Văn Ký suy nghĩ đến hiện tình đất nước. Và ông tin rằng dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, đánh đổ ách thực dân phong kiến đế quốc, giành chính quyền về tay nhân dân thì nhất định dân tộc Việt Nam cũng sẽ chiến thắng, cách mạng sẽ thắng lợi và thế nào nước nhà cũng được thống nhất… Cảm hứng trào dâng. Từng câu chữ của phần lời cứ bật ra kiểu như thi sỹ xuất khẩu thành thơ và từng nốt nhạc cũng theo nhau hiện lên trong trí. Ông viết liền một mạch cả nhạc và lời rồi đặt tên là "Bài ca hy vọng":

Về tương lai ngày quê hương màu xanh áo mới
Chứa chan niềm tin
Đường ta đi xanh thắm mộng đời

"Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, con người ta phải có niềm tin vào tương lai. Tương lai là màu xanh hy vọng. Nó như một ý chính của tác phẩm" - Nhạc sỹ Văn Ký tâm sự: "Thông thường khi xong một sáng tác, phần lớn tôi tự đệm đàn và hát cho vợ nghe. Cô ấy là thính giả đầu tiên". Chị Thanh Trầm - vợ nhạc sĩ là người có năng khiếu nghệ thuật, khi nghe Văn Ký hát xong chị khen: "Anh sáng tác bài này hay đấy! Hợp tình cảm của bà con miền Bắc hướng vào miền Nam".

Nhạc sĩ Văn Ký nhớ lại là sau đó, ông cất bài hát vào một chỗ, khoảng vài tháng sau bỏ ra xem lại và cũng chỉ sửa một đôi chỗ không đáng kể, rồi đem đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói rằng: "Bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá. Không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay". Và họ yêu cầu tác giả sửa lại.

Nhạc sĩ Văn Ký.

"Tôi đọc lại bản nhạc của mình, tất nhiên chủ yếu là phần lời, nhưng thấy không thể thêm bớt được một từ nào, nên không sửa và đành mang bản nhạc về rồi quyết định mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam". Giám đốc Đài là ông Trần Lâm đồng ý.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc của Đài bố trí để Văn Ký trực tiếp dàn dựng, Hoàng Mãnh đệm đàn piano, Lê Bích thổi sáo. Người hát do chính Văn Ký chọn lựa, đó là ca sĩ Khánh Vân, Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, thuộc hàng ca sỹ có tên tuổi thời đó thể hiện. Cũng chính Văn Ký trực tiếp viết phần đệm cho đàn piano.

Ngày ấy, khi "Bài ca hy vọng" vang lên trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam thì nó như một "cơn sốt". Thư từ của bạn nghe Đài khắp các tỉnh, thành gửi về yêu cầu phát lại "Bài ca hy vọng". Tuy nhiên vẫn có bộ phận nhỏ, một số người chưa muốn cho phổ biến rộng, cũng gần như đồng nghĩa với việc ngăn cấm. Nhưng âm thanh bài ca như những cánh chim bay đi đến khắp mọi miền đất nước. Người ta học qua Đài, học lẫn nhau. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hát "Bài ca hy vọng".

Còn đối với miền Nam, chính "Bài ca hy vọng" là một vũ khí lợi hại cho cán bộ địch vận. Lời ca đã thức tỉnh và kêu gọi những người lính ngụy quay súng trở về với đồng bào vì họ tin tưởng sớm muộn Cách mạng sẽ thắng. Các chiến sỹ cách mạng trong ngục tù cũng lạc quan hát "Bài ca hy vọng".

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước kể, năm 17 tuổi, hoạt động rồi bị bắt, trong tù bà vẫn hát "Bài ca hy vọng" với tất cả niềm tin tưởng ở tương lai. "Khi nghe tù nhân hát "Bài ca hy vọng", bọn cai ngục cho đổ vôi bột vào hầm chúng tôi, nhưng mọi thủ đoạn của chúng không bao giờ dập tắt được niềm hy vọng của những người cộng sản. Càng tra tấn, cấm đoán, chúng tôi càng hát "Bài ca hy vọng" to hơn. Bài hát làm cho mọi người thêm đoàn kết, càng tin tưởng ở tương lai hơn".

Chính tác giả cũng không ngờ bài hát của mình có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy. Nó trở thành một dấu ấn sâu đậm với mọi người. Nhạc sĩ Văn Ký khẳng định: "Tôi sáng tác "Bài ca hy vọng", không có ai đặt hàng. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ một điều là chân lý sẽ thắng, đó là quy luật. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào chính nghĩa. Còn kẻ thù, phi nghĩa nhất định sẽ phải thua cũng như mây mù sẽ phải tan.

Lời lời ứng với từng nốt nhạc, vang lên dồn dập như một khúc quân hành. Chữ "chiếu" được kéo dài, vút cao, rồi đổ xuống như thủ thỉ tâm tình nhưng khẳng định "…kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu. Bốn phương, gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan".

Âm nhạc "Bài ca hy vọng" bay bổng. Ca từ như thơ. Lời trong trẻo. Không nói đến chiến đấu, hy sinh… nhưng lại lay chuyển hàng triệu triệu trái tim và thể hiện được nỗi khát khao cháy bỏng của bao nhiêu triệu đồng bào hai miền Nam Bắc lúc ấy.

NSND Lê Dung từng thể hiện rất thành công bài hát “Bài ca hy vọng”.

Bài hát thể hiện tầm cao tư tưởng, nhưng lời ca không nặng nề, triết lý suông mà nó trong sáng, nhẹ nhàng, có sức cổ vũ lớn lao, làm cho người nghe vươn tới cái đẹp, đặt niềm tin vào lý tưởng cao quý. Ca từ hòa quyện nét nhạc. Giai điệu mê say, đắm đuối. Nhạc sĩ hy vọng vào mùa xuân trong tương lai. "Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng. Về tương lai…".

Ca sỹ Khánh Vân, người đầu tiên hát "Bài ca hy vọng" đã cùng đoàn Thanh niên, Sinh viên Việt Nam đi nước ngoài và biểu diễn bài hát này với con số kỷ lục - hơn bốn mươi quốc gia trên thế giới. Và cũng có thể nói, hiếm có ca khúc nào thu hút được nhiều ca sỹ thể hiện như "Bài ca hy vọng".

Tiếp theo Khánh Vân là các danh ca nổi tiếng một thời, như: Bích Liên, Mỹ Bình, Măng Thị Hội, Tô Lan Phương, Ánh Tuyết, Rơ Chăm Pheng, Thanh Hoa, Thúy Huyền, Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ, … từ thế kỷ trước. Và thế kỷ này là các ca sỹ Thanh Lam, Thu Hà, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương và thế hệ ca sỹ trẻ Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương, Trọng Tấn, Thanh Thúy, Khánh Linh, Nguyên Thảo, Thu Hương… Có ca sỹ lấy "Bài ca hy vọng" làm bài hát "tủ" trong chương trình biểu diễn của mình. Có người dùng "Bài ca hy vọng" làm bài hát thi tốt nghiệp, thi trong hội diễn.

Mỗi ca sỹ một giọng điệu riêng. Người thì giọng ca rực lửa, người thì giọng ca nhẹ nhàng. Nhưng các thế hệ ca sỹ người nào hát bài này cũng hay và xúc động. Có lần, được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, sau khi nghe Khánh Vân hát 'Bài ca hy vọng", Bác Hồ nói: "Cháu là con chim sơn ca Nam Bộ, cháu hãy hát bài này cho đồng bào miền Nam nghe". "Bài ca hy vọng" còn vượt biên giới ra nước ngoài. Các ca sỹ người Nga, Nhật Bản, Lào, Trung Quốc, Séc, Thái Lan cũng hát "Bài ca hy vọng" bằng tiếng nước họ, hoặc bằng cả tiếng Việt.

Người ta còn chuyển soạn "Bài ca hy vọng" cho độc tấu đàn Guitar, sáo trúc, violonxen, piano… phối khí cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng. "Bài ca hy vọng" được sử dụng làm nhạc nền trong phim (phim "Đừng đốt"), ca vang lên trong những chương trình nghệ thuật như: Giai điệu tự hào; Những bài hát còn xanh; Bài ca không quên; Quà tặng thời gian; Những bài ca đi cùng năm tháng; Con đường âm nhạc; Ca khúc nổi bật… và các chương trình cầu truyền hình: Mùa xuân đầu tiên; Đêm kết nối yêu thương…

"Bài ca hy vọng" - một khúc ca ngắn, chỉ có 110 âm tiết, gói gọn trong 11 câu. Thế mà cụm từ "Về tương lai" láy đi láy lại hai lần nhưng không nhàm. Có thể nói, tác giả sử dụng câu này rất đắc địa. Và cũng vẫn là ba nốt nhạc láy đi láy lại hai lần, từng cặp, có cùng cao độ, trường độ nhưng ở trên, khi hát nó như một sự nhắn gọi, còn ở bên dưới, nó lại vang lên như tiếng kèn giục giã, thôi thúc.

Về tương lai!
Ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin
Đường ta đi xanh thắm mộng đời
Về tương lai!
Đàn chim ơi cùng ta cất cánh….

"Bài ca hy vọng" ra đời đã 60 năm. Nhưng với những người trung niên trở lên, chỉ cần có ai đó cao hứng xướng lên một câu trong bài hát là có người xung quanh hưởng ứng hát theo như một sự tri kỷ và dù chỉ là thường dân, người nghe cũng khẳng định luôn không cần nghĩ lâu: "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký. Vì "Bài ca hy vọng" đã in sâu vào tiềm thức người Việt Nam nhiều thế hệ.

Nhạc sĩ Văn Ký đã viết được một ca khúc hợp lòng người. Tác giả biết chia sẻ nỗi đau và ước vọng hạnh phúc cùng dân tộc. "Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai. Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng".

Năm 1958, "Bài ca hy vọng" vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của ca sĩ Khánh Vân. Đặc biệt trong đêm giao thừa đón mừng năm mới Mậu Tuất, khán thính giả Đài Truyền hình Việt Nam lại được nghe ca sỹ Hồ Quỳnh Hương hát "Bài ca hy vọng".

Những lời ca quen thuộc của bài hát một lần nữa làm bùng lên ngọn lửa trong tim bạn nghe một niềm xúc động dạt dào. Người nghe và người hát như cùng hòa chung một ý nghĩ, một niềm hy vọng bao la. Và từ trong trái tim mỗi người lại vang lên câu hát tự thuở nào… Về tương lai.

Nguyễn Ngọc Phan

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/60-nam-bai-ca-hy-vong-483508/