60 container nghi giáng hương Tây Phi vô chủ: Xung công quỹ?

Nếu qua 90 ngày 60 container nghi giáng hương Tây Phi không ai nhận sẽ được bán đấu giá, xung công quỹ.

Chiều 19/8, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Đồng Nai đang khám xét 60 container nghi ngờ là gỗ giáng hương Tây Phi nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh.

Qua kết quả khám xét ban đầu cho thấy, các container gỗ đã được các đối tượng sơ chế, xẻ thành từng thanh nhỏ với tổng khối lượng khoảng hơn 1.000m3. Trị giá của lô hàng bước đầu được cơ quan chức năng ước tính khoảng hơn 20 tỉ đồng.

Sáng ngày 22/8, xác nhận với PV, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết: "Lô hàng này sau khi về cảng nhưng chủ hàng bỏ không đến nhận.

Theo quy định nếu quá 90 ngày không ai nhận sẽ xử lý hàng, theo đó sẽ giao cho Sở Tài chính đấu giá rồi bán, xung công quỹ nhà nước".

Các khối gỗ được cơ quan hải quan khám xét thu giữ.

Các khối gỗ được cơ quan hải quan khám xét thu giữ.

Theo vị đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, trước mắt chưa thể khẳng định đây có phải là hàng nhập lậu hay không bởi chưa gặp được chủ hàng. Nếu chủ hàng đến đưa ra được giấy chứng nhận CITES thì có thể đem được số gỗ kia về nhưng cũng có thể chủ hàng không có giấy chứng nhận này nên không đến lấy hàng.

Giấy phép CITES, chứng chỉ CITES là giấy tờ do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loại động, thực vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES. Giấy phép do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu mẫu vật các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam, không quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES.

"Về nguyên tắc những động thực vật hoang dã phải có chứng nhận CiTes. Nếu gỗ có nguồn gốc thực vật hoang dã có trong sách đỏ, loại gỗ tên khoa học thì phải có giấy chứng nhận CiTes của các nước xuất khẩu khác, coi như khai thác có nguồn gốc.

Nếu chủ hàng không có chứng nhận CITES thì coi như bán hàng cấm quốc tế và sau khi khám xét sẽ được chuyển cơ quan điều tra, nếu phát hiện hành vi buôn lậu thì sẽ tiến hành khởi tố. Thường những vụ việc như thế này Tổng Cục Hải quan họ sẽ tiến hành điều tra làm rõ" -đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 khẳng định.

Cùng ngày, trao đổi với PV, P.Chánh Văn phòng Cục Hải quan TP.HCM cho biết: "Thông tin này mới đang xác minh và còn nhiều bước nên chưa khẳng định được số gỗ này là hàng lậu hay không".

Theo thông tin từ cơ quan hải quan, nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, nhiều khả năng đây là gỗ giáng hương Tây Phi (Pterocarpus erinaceus). Loại gỗ này được xếp trong phụ lục II tại “Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites)” ban hành kèm theo thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đang chờ kết luận của cơ quan giám định).

Gỗ giáng hương Tây Phi (Pterocarpus erinaceus) tương đương với một số loài gỗ được xếp nhóm I trong “Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước”, ban hành kèm theo Quyết định số 2189-CNR ngày 26/11/1977 của Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện cơ quan hải quan và lực lượng chức năng đang tiến hành các bước nghiệp vụ để xử lý vụ việc theo trình tự pháp luật.

Thu Thủy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/60-container-nghi-giang-huong-tay-phi-vo-chu-xung-cong-quy-3417690/